Ân tình với Báo Đắk Lắk!
09:57, 21/06/2019
Báo Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị cộng tác viên nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019).
Không khí trang trọng mà thân tình qua lời phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn. Nhiều cộng tác viên phấn khởi, hồ hởi trải lòng mình và biết ơn quý báo tạo điều kiện giúp đỡ, biên tập để mình trưởng thành và gắn bó với báo. Có thầy giáo từ Krông Bông xa xôi, có anh chị từ Buôn Hồ, Cư M’gar…, từ các đơn vị, cơ quan đóng tại Buôn Ma Thuột. Đặc biệt là đội ngũ trẻ, đẹp, năng động của các cộng tác viên tại tòa soạn. Đây sẽ là lực lượng hùng hậu kế tục sự nghiệp của Báo sau này.
Tôi ấn tượng với lời khai mạc, bế mạc ngắn gọn, súc tích, có lý, có tình của Tổng Biên tập Nguyễn Văn Phú. Tôi càng vui khi nghe bản đánh giá công tác cộng tác viên do Phó Tổng Biên tập Lê Quang Ánh trình bày, trong đó có câu: “Báo Đắk Lắk luôn trân trọng, tri ân tấm lòng của bạn đọc, của cộng tác viên dành cho tờ báo trong nhiều năm qua”. Trân trọng, tri ân! Đúng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Nó bao hàm cả kính và yêu!
Các đại biểu tham dự Hội nghị Cộng tác viên của Báo Đắk Lắk năm 2019. Ảnh: H. Gia |
Sau 43 năm thành lập, Báo Đắk Lắk phát triển cả về lượng, về chất để bạn đọc càng yêu quý. Hiện Báo đã phát hành 6 kỳ một tuần, đó là chưa kể Nguyệt san và Báo Điện tử. Đội ngũ biên tập viên có tay nghề, tôi rất hài lòng về các bài đã được biên tập, có thể ngắn gọn hơn nhưng vẫn đủ ý. Tôi đã từng làm Tổng Biên tập Tạp chí Chư Yang Sin bốn năm đầu tiên thành lập Hội Văn nghệ, đến nay đang giúp đỡ, làm Phó Trưởng Ban biên tập Bản tin Hữu nghị và Hợp tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk và Trưởng Ban biên tập Bản tin Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh. Nói như vậy không phải để khoe mà là người có nghề ngả mũ cúi chào lớp hậu sinh – đội ngũ biên tập của Báo đã giỏi hơn mình.
Tôi không quên ân tình của Báo đối với tôi. Các đồng chí Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, biên tập viên và các phòng chức năng đối với tôi đều thân tình. Tôi được cấp thẻ Thông tín viên ngay đợt đầu và cũng là người nhận nhuận bút đầu tiên của cộng tác viên. Ngoài việc nhuận bút hấp dẫn còn là tình người. Tôi còn giữ được phiếu lĩnh nhuận bút báo Tết 1988 từ 31 năm qua. Số tiền 1.800 đồng lúc đó là khá lớn.
Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam lại càng nhớ về những thế hệ làm báo thời kháng chiến. Từ năm 1932, đồng chí Phan Đăng Lưu trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã viết báo tuyên truyền cách mạng. Đến năm 1935 thêm đồng chí Hồ Tùng Mậu và nhiều đồng chí khác cũng viết. Thời chống Mỹ, nhìn khắp hội trường còn lại mình tôi. Càng nhớ đến các bậc đàn anh của tôi thời làm báo ở căn cứ cách mạng như đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài) sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy, ở trong rừng vẫn viết báo Học Tập, Vững Tiến. Đồng chí giỏi cả tiếng Êđê nên dịch tiếng phổ thông ra tiếng Êđê và ngược lại, làm bản tin Yuăn – Êđê để tuyên truyền, vận động.
Đồng chí Nguyễn Hữu Trí – Thiếu tá binh địch vận, giỏi tiếng Pháp nên được cử gặp tù binh, hàng binh nước ngoài, giúp Tỉnh ủy xử lý công việc; sau giải phóng làm Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ. Đồng chí Ngô Minh Kha đi xin tấm bia mộ tận Cư M’gar, vượt đường 14 rồi đường 21 (nay là 26) về căn cứ Krông Bông, mài nhẵn lưng bia, viết chữ ngược để in báo; sau giải phóng làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin. Đồng chí Nguyễn Trúc đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cấp giấy giới thiệu vào HC38 (nơi giam giữ tù hàng binh) để khai thác tài liệu. Sau giải phóng làm Phó Trưởng Ty Giáo dục trước khi về làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm.
Bốn đồng chí này là điển hình, còn lại nhiều người đi các cửa khẩu gùi cõng giấy mực, người chuyển tin bài, người phát hành báo qua đường giao liên thì nhiều lắm, phải đổi bằng cả mồ hôi và máu.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc