Công tác dân số ở các thôn Hmông vẫn là câu chuyện nan giải
Huyện Krông Bông có 14 thôn với 2.452 hộ, 14.260 khẩu là người dân tộc Hmông di cư ở các tỉnh phía Bắc vào, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở các thôn đồng bào Hmông vẫn rất khó khăn.
Xã Cư Đrăm có 6 thôn đồng bào Hmông thì cả 6 thôn đều có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên rất cao. Chị Thào Thị Dung, cộng tác viên y tế kiêm cộng tác viên dân số của thôn Ea Luêh phụ trách vận động 173 hộ song việc tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ vô cùng vất vả. Một số phụ nữ khi được phân tích thì đồng ý thực hiện các biện pháp tránh thai song đa số các ông chồng lại không chịu hợp tác. Nhiều lần cộng tác viên dân số vào vận động bị những người chồng la mắng, đuổi về.
Như trường hợp gia đình chị Thào Thị Xế, dù đã có 4 đứa con gái nhưng chị cũng vẫn sinh thêm và dự định sắp tới… đẻ thêm 1 đứa nữa rồi mới kế hoạch. Chồng chị thì nhất quyết phản đối việc thực hiện KHHGĐ, bắt vợ phải đẻ khi nào có con trai mới thôi. Chị Xế than thở: “Từ khi lấy chồng đến giờ, hầu hết thời gian mình sinh con, nuôi con, không có thời gian làm việc gì. Mình cũng muốn sinh ít con thôi nhưng chồng mình không đồng ý”.
Hay như gia đình chị Thào Thị Xay (cũng ở thôn Ea Luêh), chồng chị năm nay ngoài 50 tuổi, đã có 5 đứa con riêng và 3 đứa con chung với chị Xay. Vừa rồi chị Xay lại mới sinh thêm 1 đứa con nữa. Cả nhà chen chúc trong túp lều tạm, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc; mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông vào tiền công làm thuê của người chồng. Cả 5 đứa con riêng của chồng và 4 đứa con chung của anh chị đều chưa một ngày được cắp sách đến trường. Chị Xay giãi bày: “Gia đình đã nghèo, lại đẻ nhiều nên khổ lắm. Hôm nào chồng không đi làm thuê không có tiền mua gạo, chẳng có cơm để ăn. Mình muốn đẻ ít nhưng chồng không chịu”.
Chị Thào Thị Dung (bìa trái), cộng tác viên dân số thôn Ea Luêh, xã Cư Đrăm đến vận động chị Thào Thị Xế thực hiện KHHGĐ. |
Ea Uôl là thôn có tỷ lệ sinh cao nhất trong 6 thôn đồng bào Hmông của xã Cư Pui. Thôn có 307 hộ nhưng có đến 2.192 nhân khẩu (trung bình mỗi hộ có hơn 7 khẩu); không ít gia đình có từ 8 - 10 đứa con. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ ở đây hiệu quả rất thấp.Theo chị Vương Thị Nhung, cộng tác viên dân số thôn Ea Uôl tâm sự đôi lúc chị và nhiều cộng tác viên dân số khác cảm thấy nản và bất lực vì sự bất hợp tác của những cặp vợ chồng sinh đông con. Lúc đến tuyên truyền, vận động, có người phản ứng chống đối ra mặt, người thì im lặng, nhiều người lại bỏ đi, không muốn nghe. Và… họ vẫn đẻ sòn sòn. Nhiều cặp vợ chồng chưa đến 30 tuổi đã có 7 - 8 đứa con nhưng họ vẫn chưa muốn dừng lại con số đó.
Theo nhiều cộng tác viên dân số địa phương, trở ngại lớn nhất vẫn là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” ở nhiều gia đình bà con Hmông. Là phó thôn Ea Luêh (xã Cư Đrăm), anh Vương Đình Quý đã có 5 đứa con gái nhưng vẫn cố đẻ thêm để có con trai. May mắn đứa thứ 6 ra đời là con trai. Những tưởng vợ chồng anh mãn nguyện dừng lại nhưng rồi vợ anh lại sinh thêm đứa thứ 7. Anh Quý phân trần: “Đẻ thêm đứa trai nữa cho con trai nó có bạn”.
Chị Sùng Thị Pà (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) đã có 8 đứa con gái nhưng vẫn muốn đẻ thêm. |
Có thể nói, ngoài nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân thì công tác dân số - KHHGĐ ở các địa bàn nói trên chưa được quan tâm một cách đúng mức; việc phối hợp, lồng ghép giữa các tổ chức, đoàn thể chưa chặt chẽ; công tác truyền thông chủ yếu bằng truyền miệng, không thường xuyên; cũng chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ. Vì vậy, tỷ lệ sinh con nhiều, sinh dày vẫn còn rất cao. Những hệ lụy của việc sinh đông con vẫn luôn là cái vòng luẩn quẩn trong cộng đồng Hmông ở đây khiến nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, không được đi học, bỏ học; tỷ lệ hộ nghèo cao; người dân thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất…
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc