Multimedia Đọc Báo in

Đằng sau những trang viết

09:55, 21/06/2019
Trưởng thành từ những chuyến đi, nghề báo mang lại cho người cầm bút không chỉ là kiến thức xã hội mà còn vun đắp cảm xúc tâm hồn. Bởi lẽ, đằng sau những con chữ là trăn trở của người cầm bút với bộn bề cuộc sống, nhập cuộc với dòng chảy sự kiện, vui buồn với nhân vật qua từng trang viết.
 
Ngày mới vào nghề, với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị đồng nghiệp đi trước, tôi bắt nhịp với nghề khá nhanh, từ cách phát hiện đề tài đến việc triển khai thực hiện. Ngoài nghiệp vụ, các anh chị cũng không quên "truyền lửa" để hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu nghề trong tôi. 
Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc ở huyện Lắk.  Ảnh: G. Nam
Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc ở huyện Lắk. Ảnh: G. Nam
 
Còn nhớ trong chuyến công tác cách đây 15 năm, ngày mới chập chững bước vào nghề, tôi được giao nhiệm vụ đi dự và đưa tin về lễ cúng bến nước của một buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar. Ngày ấy, đường vào xã Ea H’đing vô cùng khó khăn. Khi còn cách buôn Trấp khoảng chừng 5 km, thì xe máy bị thủng săm, phải dắt bộ gần 2 cây số mới tìm được điểm vá xe. Rồi có những chuyến đi vào vùng biên giới Ea Súp, xe hỏng phải ở lại giữa rừng. Sau khi tìm được sự hỗ trợ, ra khỏi rừng cũng là lúc trời gần sáng…
 
Có lẽ chỉ những người trong nghề mới thấm nỗi vất vả của người làm báo. Trước mỗi chuyến đi, phóng viên đều có những suy tính, dự định nhưng nhiều khi vẫn không chủ động được thời gian, công việc. Có những lần, mặc dù đã hẹn trước với cơ sở, nhưng khi đến nơi, vì nhiều lý do khác nhau nên không gặp được người cung cấp thông tin. Đề tài phải tạm gác lại. Rồi khi tham gia các đoàn công tác, hay đi làm sự kiện, lúc mọi người được nghỉ ngơi thì lại là lúc cánh phóng viên vất vả nhất, phải bắt tay vào viết, chọn ảnh, chuyển tin, bài về Tòa soạn cho kịp giờ xuất bản. “Vòng quay” công việc cứ liên tục như thế theo từng kỳ xuất bản của Tòa soạn. Chưa kể ngoài số báo được xuất bản định kỳ, những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, báo ra số đặc biệt thì áp lực công việc như được nhân đôi. Phóng viên vừa tất bật với kế hoạch viết báo đăng các số thường kỳ, đồng thời còn phải triển khai bài viết cho số báo đặc biệt. Có nhiều đêm mất ngủ, trăn trở với từng con chữ, nhưng rồi có những bài báo vẫn mãi là bản thảo... 
Phóng viên tác nghiệp trong đợt tiêu hủy heo bị bệnh dịch tả châu Phi ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: T.Nguyễn
Phóng viên tác nghiệp trong đợt tiêu hủy heo bị bệnh dịch tả châu Phi ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: T.Nguyễn
 
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, tôi càng hiểu rằng, chính sự vất vả, khắc nghiệt của nghề lại đem đến cho người làm báo những trải nghiệm luôn mới mà không phải nghề nào cũng có. Đi nhiều, biết nhiều, tích lũy từ những chuyến đi đầy trăn trở, nặng nỗi niềm đó giúp người làm báo cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị của cuộc sống. Sau nỗi vất vả, nhọc nhằn ấy là niềm vui nhân đôi khi mỗi bài báo của mình được bạn đọc đón nhận. Có lẽ, hạnh phúc lớn nhất đối với người làm báo chính là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác động sâu sắc tới đời sống xã hội...
Nghề báo không đơn thuần là nghề để mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày. Mỗi trang viết của người làm báo là thể hiện trách nhiệm xã hội. Đó cũng chính là vinh quang nghề nghiệp chỉ dành cho những ai sống trọn vẹn đam mê, “say” với nghề.
 
Lê Hương

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.