Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn thiện nguyện ở vùng sâu

09:03, 23/06/2019

Là những địa phương vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Krông Bông, trong những năm qua, người dân các xã Cư Pui và Yang Mao đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức từ thiện.

Nhóm thiện nguyện “Ngàn Hạc Giấy” (TP. Hồ Chí Minh) đã 6 lần về tặng quà cho các thôn đồng bào dân tộc Hmông ở xã Cư Pui, trao hơn 3.000 phần quà tặng người dân và học sinh với trị giá gần 1 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến những món quà giá trị như: xây dựng phòng học, sân chơi cho học sinh, tặng giếng khoan cho người dân… Song, món quà ý nghĩa, thiết thực nhất đối với đồng bào Hmông ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui) chính là “Ngân hàng bò” do chị Vũ Ngọc Ái Vy, trưởng nhóm thiện nguyện “Ngàn Hạc Giấy” thành lập.

Từ năm 2013 đến nay, nhóm đã tặng các hộ nghèo 16 cặp bò mẹ con. Mỗi hộ lúc đầu nhận được một cặp bò mẹ con; sau khi bò con lớn, tách mẹ sẽ chuyển bò mẹ sang cho gia đình khác nuôi. Các gia đình được tặng bò đều chăm sóc rất tốt. Anh Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt phấn khởi tâm sự: “Thôn Ea Rớt nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Một số hộ đặc biệt khó khăn mừng lắm vì được nhóm từ thiện tặng bò nuôi. Nhờ món quà ý nghĩa đó, nhiều gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, mong sớm thoát được nghèo”.

Ông Lò  Văn Páo  (ở thôn  Ea Rớt)  được nhóm thiện nguyện
Ông Lò Văn Páo (ở thôn Ea Rớt) được nhóm thiện nguyện "Ngàn Hạc Giấy" tặng cặp bò sinh sản.

Những gia đình khó khăn và học sinh nghèo ở xã Cư Pui và Yang Mao đã quen thuộc với các thành viên nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” (TP. Buôn Ma Thuột). Nhóm thiện nguyện này đã nhiều lần vào thăm và tặng hàng nghìn phần quà như nhu yếu phẩm, học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp, quần áo, cặp sách cho học sinh nghèo ở các trường học trên địa bàn các xã. Đặc biết, nhóm còn quyên góp xây dựng được 3 ngôi nhà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Cư Pui và Yang Mao.

Anh Nguyễn Duy Học, Trưởng nhóm thiện nguyện cho biết, để làm một căn nhà cần từ 18 - 24 triệu đồng mua vật liệu; công xây dựng do chính những tình nguyện viên trong nhóm đảm nhiệm. Em H’Huyền Niê ở xã Yang Mao, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo xúc động bày tỏ khi gia đình được tặng một căn nhà: “Gia đình em nghèo lắm, không đủ điều kiện để làm nhà mới, phải ở trong ngôi nhà tạm bợ đã lâu. Được các anh chị trong nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” tặng nhà. Em vô cùng cảm động và biết ơn, hứa sẽ quyết tâm học tập thật tốt để không phụ lòng mọi người”.

Hệ thống nước sạch tự chảy được nhóm thiện nguyện Palmés Smile tặng cho hơn 30 hộ dân buôn Kiều.
Hệ thống nước sạch tự chảy được nhóm thiện nguyện Palmés Smile tặng cho hơn 30 hộ dân buôn Kiều.

Thay vì các món quà là nhu yếu phẩm, bánh kẹo, quần áo, giày dép, gần đây, các tổ chức thiện nguyện đã tặng đồng bào nghèo ở Cư Pui, Yang Mao nhiều món quà là công trình phục vụ cộng đồng như hệ thống nước lọc tinh khiết, điện năng lượng, giếng khoan… Tại buôn Kiều (Yang Mao), nhóm thiện nguyện Palmés Smile (TP. Buôn Ma Thuột) xây dựng dự án “Khu du lịch sinh thái buôn Kiều” tặng cho bà con M’nông trong buôn. Nhiều công trình trong dự án được thực hiện từ đầu năm 2019, đến nay nhóm thiện nguyện đã bàn giao, đưa vào sử dụng một công trình nước sinh hoạt tự chảy phục vụ cho 30 hộ dân, trị giá 45 triệu đồng; công trình điện đường 20 bóng điện, trị giá 34 triệu đồng; hỗ trợ 30 hộ trong buôn trồng cây ăn quả; trồng cây bóng mát dọc hai bên đường nội vùng trong buôn. Những công trình khác cũng đang được triển khai như nhà đọc sách dành cho thiếu niên trị giá 150 triệu đồng, trồng 20.000 cây giống ca cao...

Ông Ama Duyên, Trưởng buôn Kiều bộc bạch: “Người dân ở đây còn nghèo lắm. Nếu không có các anh chị của nhóm thiện nguyện giúp đỡ thì chưa biết đến bao giờ bà con mới có nước sạch để dùng, có điện thắp sáng trong buôn vào ban đêm. Giờ họ đang xây dựng nhà đọc sách cho thiếu nhi và hỗ trợ cây ca cao giống, phân bón và cách trồng, chăm sóc để bà con phát triển kinh tế”.

Có thể nói, những món quà giá trị và ý nghĩa của các tổ chức thiện nguyện đã giúp các hộ nghèo ở vùng sâu có thêm điều kiện, động lực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.