Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ giỏi việc Hội, đảm việc nhà

07:27, 22/06/2019

Trải qua hơn 13 năm gắn bó với công tác hội phụ nữ, chị H’Thu Liêng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) luôn được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và là tấm gương tiêu biểu trong “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những ngày đầu bén duyên với công tác hội phụ nữ, chị H’Thu gặp phải không ít những khó khăn, bỡ ngỡ. Là phụ nữ dân tộc M’nông, giữ chức Chi hội trưởng ở một buôn có ba dân tộc anh em là Êđê, M’nông và Kinh cùng sinh sống, sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán… khiến chị trăn trở làm sao để có thể tập hợp và tạo được sự đoàn kết giữa các chị em trong buôn. Sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các chi hội phụ nữ khác trong xã, chị H’Thu đã “tận dụng” những dịp lễ, hội như cúng cơm mới, cầu mưa… để tiếp cận hội viên, vận động chị em đi họp đông đủ.

Thời điểm ấy, có buổi họp chỉ khoảng 30% hội viên tham gia do nhận thức còn hạn chế, phần vì chị em ngại tiếp xúc, vì chồng và gia đình chồng chưa chia sẻ. Một số hội viên do điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ lo làm chứ không nghĩ đến chuyện tham gia hội họp, điều này khiến chị H’Thu rất trăn trở, từ đó quyết tâm thử nhiều cách và kiên trì vận động chị em. Chị đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia các hoạt động, trước tiên là bắt đầu từ những hoạt động nhỏ như dọn dẹp vệ sinh môi trường, thăm hỏi nhau khi đau ốm sau đó là giúp nhau làm kinh tế… Đồng thời, chị H’Thu cũng phân tích để chị em thấy được lợi ích từ các hoạt động trên mà rủ nhau tham gia.

Chị H’Thu Liêng dệt vải thổ cẩm truyền thống để phục vụ gia đình và tạo thêm thu nhập.
Chị H’Thu Liêng dệt vải thổ cẩm truyền thống để phục vụ gia đình và tạo thêm thu nhập.

Khi tiếp nhận chức Chi hội trưởng vào năm 2006, Chi hội Phụ nữ buôn Ja chỉ có chưa đầy 50 hội viên thì nay đã có 82 hội viên. Năm 2006, trong buôn có nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ ba, tình trạng tảo hôn thường xuyên xảy ra nhưng đến năm 2018, chỉ còn 2 trường hợp tảo hôn và tình trạng sinh con thứ ba đã giảm hẳn. Bên cạnh đó, để giúp chị em phát triền kinh tế, chị H’Thu cùng các thành viên trong Chi hội đã thành lập Tổ tiết kiệm, hằng tháng mỗi hội viên đóng góp từ 20.000 đồng trở lên. Từ năm 2013 đến nay, chị H’Thu đã vận động chị em đóng góp được 46 triệu đồng, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp bất trắc trong cuộc sống hoặc cho hội viên vay không lấy lãi để đầu tư sản xuất.

Không những chu toàn các hoạt động của Hội, chị H’Thu còn là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế. Giống như bao cặp vợ chồng trong xóm, gia đình chị lúc mới cưới gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu số phận, hai vợ chồng vay mượn, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để trồng cà phê, chăn nuôi bò, heo… Đến nay, gia đình chị có hơn 100 gốc cà phê kinh doanh, 1 ha mì, 1 sào lúa, 2 con heo nái, 4 con bò, cùng hàng trăm con gà. Ngoài ra, chị còn dệt vải thổ cẩm truyền thống tại nhà để có thêm nguồn thu nhập đồng thời lưu giữ được nét văn hóa của dân tộc mình.

Chị H’Thu Liêng (bên trái) luôn hòa đồng, gần gũi với bà con trong buôn.
Chị H’Thu Liêng (bên trái) luôn hòa đồng, gần gũi với bà con trong buôn.

Bằng sự nhiệt huyết, cống hiến trong công tác Hội Phụ nữ và các phong trào tại địa phương, chị H’Thu đã góp phần đáng kể cùng cấp ủy, chính quyền giúp cho các chị em phụ nữ nghèo có cuộc sống ngày một no đủ, hạnh phúc. Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, chị H’Thu đã được Huyện ủy Krông Bông tặng Giấy khen là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017; Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 và nhiều Giấy khen của Hội Phụ nữ các cấp...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.