Trăn trở làng Hmông trên đỉnh đồi Đắk Hiu
Làng Hmông trên đỉnh đồi Đắk Hiu thuộc địa phận xã Đắk Phơi (huyện Lắk) là nơi ở của hàng chục hộ dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào hơn 10 năm nay. Nơi đây, người dân sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, núi rừng, với biệt danh 3 không “không điện, không đường và không hộ khẩu”.
Học sinh làng Hmông, buôn Liêng Keh (xã Đắk Phơi) đi bộ vượt quãng đường gần 10 km đến trường. |
Hành trình 10 cây số từ chân đồi đến đỉnh đồi Đắk Hiu quả thật gian nan. Tôi phải gửi xe máy lại và ngồi nhờ xe của người dẫn đường. Đường đi chỉ là lối mòn nhỏ, dốc dựng đứng.Sau gần 1 buổi, tôi cũng đến được làng Mông. Cảnh tượng hoang vu đến khó tả, nhà cửa thưa thớt, lâu lâu mới nghe tiếng trẻ con nô đùa. Từ nơi dừng xe đến địa điểm nhân vật tôi cần tìm còn cách xa hơn 3 km đường đi bộ. Thế là tôi và người bạn trẻ lại tiếp tục cuốc bộ lên đỉnh đồi. Khi gặp được nhân vật, tưởng mọi cảm xúc ào về, những câu chuyện bắt đầu rôm rả, thế nhưng người tôi muốn gặp lại không nói được tiếng phổ thông, tôi lại bắt đầu nản chí, muốn bỏ cuộc.
May thay, người dẫn đường cũng chính là phiên dịch trong cuộc trò chuyện dài hơn 1 giờ đồng hồ giữa tôi và nhân vật. Nhờ đó, đề tài chính trong chuyến tác nghiệp được hoàn thiện phần lấy tư liệu. Sau đó tác phẩm “Vẫn mãi nâng niu “bảo vật” Bác tặng” đã được đăng trên Báo Đắk Lắk Xuân năm 2018. Đó không chỉ là thành quả gặt hái sau một chuyến đi, mà mừng hơn là sau khi bài viết được đăng tải, một số bảo tàng ở các tỉnh miền Nam và miền Bắc đã liên hệ với tôi nhờ xin số điện thoại của nhân vật trong bài viết với mong muốn nhân vật tặng lại kỷ vật để bảo tàng lưu giữ.
Nhà một hộ dân được dựng tạm bợ trên đỉnh đồi Đắk Hiu. |
Chia tay với nhân vật của đề tài chính cũng là lúc trời bắt đầu chập choạng, tôi tiếp tục đến những hộ dân lân cận, tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Trước mắt là những căn nhà lụp xụp, khói bếp tỏa um khắp nhà và bữa cơm của người dân hầu như chỉ có rau rừng, bắp chuối và cá khô. Một điểm sáng duy nhất về hạ tầng nơi đây đó là điểm Trường Mẫu giáo Hoa Mai được các tổ chức tài trợ vừa mới hoàn thành. Nhờ vậy, từ cuối năm 2017, các cháu độ tuổi mẫu giáo tại làng Mông không phải học trong căn nhà lụp xụp, đơn sơ như trước. Đến đây, tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ của 2 cô giáo tại ngôi trường này.
Còn đối với các cháu từ cấp tiểu học đến THPT, hằng tuần vẫn phải cuốc bộ gần 10 km đường rừng, lỉnh kỉnh nhu yếu phẩm để đến trường trọ học. Trong số đó, không ít học sinh THCS và THPT tranh thủ các buổi nghỉ học tìm đến các hộ dân lân cận trường để làm thuê kiếm tiền mua sách, tài liệu học tập. Không có tiền thuê trọ, hầu hết các em phải ở tạm phòng tập thể cũ của giáo viên chật chội, xuống cấp. Mặc dù là học sinh thuộc gia đình nghèo, ở xã đặc biệt khó khăn, nhưng vì bố mẹ các em thuộc diện di cư tự do nên các chế độ, chính sách về giáo dục không được thụ hưởng, đó là một thiệt thòi rất lớn.
Trong nhiều chuyến công tác sau này, tôi vẫn bám địa bàn huyện Lắk, trong đó có xã vùng III Đắk Phơi. Mỗi lần ghé vào UBND xã, tôi không quên hỏi về tình hình các hộ dân làng Hmông có gì thay đổi!? Hiện nay, làng Hmông có 79 hộ, 369 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm gần 80% dân số trong vùng. Cuộc sống tự cung tự cấp vẫn ngự trị xóm nhỏ hơn 10 năm nay, hệ lụy là những đứa trẻ bỏ học giữa chừng, những bé gái tuổi 13, 14 đã ầu ơ con trẻ…
Do địa bàn cách trở, việc đầu tư lưới điện cũng như đường giao thông khu vực làng Hmông là rất khó, bởi đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Song khó khăn về nguồn điện vẫn có thể thực hiện được bằng cách lắp điện năng lượng mặt trời, thực tế ở điểm trường Mẫu giáo Hoa Mai đã được một tổ chức tài trợ lắp đặt vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây, để bỏ ra một khoản tiền triệu mua thiết bị điện là rất khó, bởi bữa ăn hằng ngày họ còn thiếu trước hụt sau. Thực trạng đó đòi hỏi chính quyền địa phương, các sở, ngành phải có chính sách phù hợp để bà con giảm bớt khó khăn về hạ tầng, có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Về hộ khẩu, tỉnh, huyện nên chăng cần đề xuất Trung ương có cơ chế đặc thù để người dân làng Hmông được “danh chính ngôn thuận” trên quê hương thứ 2 - đây cũng là yếu tố để họ được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc