Chuyện tình cảm động của vợ chồng thương binh nặng
“Tôi và ông gặp nhau khi đang điều trị vết thương ở miền Bắc. Không lâu sau, ông đặt vấn đề xin cưới tôi. Đồng đội khuyên tôi không nên lấy ông bởi ông lớn hơn 10 tuổi và sợ khi trở lại miền Nam ông không yêu thương cô gái mù như tôi. Ông đã cắt tay lấy máu viết thư hứa chung thủy suốt đời”, bà Lê Thị Hồng Vân (SN 1949) - thương binh hạng ¼ ở tổ dân phố 4A (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) bồi hồi nhớ lại tuổi thanh xuân.
Sinh ra và lớn lên ở xã Nhơn Hạnh (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), năm 1965 bà Vân thoát ly lên chiến khu làm cấp dưỡng tại Bệnh xá Tỉnh đội Gia Lai, sau chuyển sang Trường Dược của Quân khu V. Hai năm sau, bà Vân được cử đi học y tá và điều động về công tác y tế ở Tỉnh ủy Gia Lai. Năm 1969, địch đánh bom cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai, bà Vân bị thương, mù hai mắt vĩnh viễn, được đưa ra Bắc (Bệnh viện E2 Hà Nội) điều trị và an dưỡng. Chính ở nơi đây, nữ y tá Hồng Vân với tỷ lệ thương tật 100% đã nên duyên vợ chồng với thương binh hạng ¾ Huỳnh Tấn Công cùng quê Bình Định. Hai ông bà có với nhau ba mặt con (một gái và hai trai).
Vợ chồng thương binh Huỳnh Tấn Công - Lê Thị Hồng Vân (ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). |
Đất nước giải phóng, gia đình bà Vân rời trung tâm chăm sóc thương binh nặng ở miền Bắc về tỉnh Bình Định sinh sống. Cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, năm 1982 ông bà quyết định đưa các con vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lập nghiệp. “Ngoài ba đứa con thơ và những vết thương trên cơ thể, vợ chồng tôi chẳng có gì khi đến vùng đất mới. Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách, không ngại gian khó, vợ động viên chồng, còn chồng bảo ban vợ tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình để nuôi dạy các con và gầy dựng sự nghiệp”, ông Công nhớ lại những ngày gian khó.
Với tinh thần của người lính không khuất phục khó khăn, ông Công - bà Vân khai hoang đất trồng cà phê và bơ. Sau ba năm làm lụng vất vả, vợ chồng cơ bản lo đủ cái ăn và lo cho các con đi học. Bà Vân chia sẻ: “Vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi không có vốn liếng, lại thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác. Tuy nhiên, gia đình chính là động lực lớn nhất để chúng tôi nỗ lực. Vợ chồng tôi đã tìm đến các hộ nông dân đi trước học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế”.
“Mù hai mắt, làm vợ, làm dâu thật chẳng dễ dàng, nhưng tình cảm vợ chồng luôn sâu nặng. Có những lúc tưởng chừng không vượt qua, nhưng hơn 45 năm qua vợ chồng tôi rất hạnh phúc”.
Thương binh Lê Thị Hồng Vân
|
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Vân còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội ở địa phương, dù việc đi lại phải nhờ sự giúp đỡ của người khác. Bà Vân đã xây dựng tốt mối quan hệ với tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tích cực vận động chị em sinh hoạt Hội Phụ nữ, góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; vận động 100% hội viên có con em trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Riêng gia đình bà Vân, ngoài thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp tại địa phương, còn tự nguyện ủng hộ Quỹ phòng chống bão lụt, giúp đỡ trẻ em nghèo, người bệnh tật. Hằng năm gia đình ông bà đều được bình bầu gia đình văn hóa tiêu biểu.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Vân cho biết, trước đây khi ông Công chưa bị tai nạn thì ông là đôi chân, là đôi mắt của bà, nhưng từ năm 2018 sau khi mổ thay khớp háng, việc đi lại của ông khó khăn nên việc lớn, nhỏ trong nhà bà tự lo liệu hoặc nhờ cháu nội giúp. “Trước đây, ổng chăm tôi, còn bây giờ tôi chăm ổng. Hơn 45 năm lấy ổng, tôi thấy hạnh phúc”, bà Vân nói.
Khi biết tin bà Vân là một trong 6 đại biểu tham dự Chương trình gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2019), ông Công vui lắm. Ông động viên bà trở lại Hà Nội và biết đâu tại chương trình gặp mặt này sẽ được gặp lại những đồng chí, đồng đội trước đây đã từng điều trị tại Trung tâm chăm sóc thương binh nặng ở Hà Nội mà bấy lâu nay mất liên lạc.
Khi chia tay chúng tôi, ông Công - bà Vân cũng không quên gửi gắm một mong muốn: “Nhà nước sớm triển khai công trình đấu nối tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Lê Vụ để vợ chồng tôi sớm được tái định cư đến nơi ở mới. Nhà đang ở hiện nay đã xuống cấp lắm rồi, nhưng do nằm trong quy hoạch nên không được sửa chữa, nâng cấp”.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc