Gia tăng trẻ nhập viện do tai nạn thương tích
Từ đầu hè đến nay, số trẻ bị tai nạn thương tích vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên điều trị liên tục gia tăng. Phần lớn các tai nạn của trẻ đều bắt nguồn từ sự lơ là của bậc phụ huynh dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Bé Y Pha Ly Khăm Niê (5 tuổi, ở buôn Yoh, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) bị gãy xương cẳng tay nhập viện điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK vùng Tây Nguyên hơn 10 ngày nay. Hiện cháu bé đã được bó bột cố định để chờ phẫu thuật. Nhìn con bứt rứt với cánh tay bó bột, chị H’Noan Niê – mẹ của bé không khỏi tự trách mình. Chị kể: “Anh em cháu được nghỉ hè nên ở nhà tự trông nhau, vợ chồng tôi thì vẫn đi làm ngoài rẫy. Ở nhà cháu theo anh trai đi chơi, trèo lên cây rồi bị ngã dẫn đến gãy tay. Tôi được hàng xóm gọi điện báo tin liền chạy ngay về đưa con đi bệnh viện. Lúc bác sĩ chẩn đoán cháu bị gãy tay tôi lo lắm...”.
Trẻ bị ngã gãy tay do leo trèo đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK vùng Tây Nguyên. |
Nằm ngay bên cạnh giường bệnh của bé Y Pha Ly Khăm, cháu Trần Ngọc Thảo Quyên (4 tuổi, ở thôn Tâm Thắng, xã Ea Na, huyện Krông Ana) cũng đang bó bột tay phải chờ phẫu thuật. Chị Trương Thị Mỵ - mẹ cháu cho biết, cháu được nghỉ hè ở trường nhưng do việc nhà nông bận rộn nên vợ chồng chị phải gửi cháu đến nhóm trẻ gần nhà. Hôm ấy nhóm trẻ nghỉ học, chị không đi làm mà ở nhà với con. Hai mẹ con ở nhà nên chị tranh thủ dọn dẹp nhà cửa để cháu tự chơi, không may khi chạy nhảy trong sân, cháu bị ngã dẫn đến gãy khuỷu tay. Hiện tại cháu đang bó bột chờ mổ kết hợp xương.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích đang điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình. Hầu hết các trường hợp vào điều trị tại khoa đều do leo trèo, chạy nhảy dẫn đến gãy chân, tay, bỏng nước sôi và tai nạn xe cộ, mà nguyên nhân phần nhiều đều xuất phát từ sự bất cẩn, lơ là của người trông trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK vùng Tây Nguyên, chủ động phòng tránh tai nạn thương tích là việc cần làm trong mỗi gia đình, nhất là các gia đình có con nhỏ cần chú ý quan sát, giám sát trẻ. |
Theo số liệu thống kê của Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK vùng Tây Nguyên, từ đầu tháng 5 đến nay, khoa đã tiếp nhận gần 900 trẻ nhập viện do tai nạn thương tích, tăng khoảng 150% so với những tháng trước đó. Trong đó, trẻ nhập viện do tai nạn giao thông là 210 ca, tai nạn sinh hoạt 294 ca và 394 ca là tai nạn khác.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân tai nạn thương tích trong dịp hè tăng cao là do thời điểm này nhiều trẻ nhỏ không phải đến trường, chỉ quanh quẩn ở nhà. Với tính cách năng động, trẻ dễ bị va vấp hoặc chấn thương. Trong khi đó, một số bậc phụ huynh do chủ quan nên chăm sóc các bé không chu đáo. Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK vùng Tây Nguyên cho hay, tùy thuộc vào từng lứa tuổi mà các tai nạn thương tích trẻ gặp phải cũng khác nhau. Lứa tuổi trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi thường bị bỏng do lửa, điện, nước sôi. Trẻ lớn hơn một chút, từ 6 - 10 tuổi lại thường bị tai nạn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài như gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông. Đặc biệt, lứa tuổi dậy thì 14 - 15 tuổi thường bị tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng vùng ngực, bụng, sọ não, gãy tay chân.
Một trường hợp trẻ bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy chân. |
Tai nạn thương tích có thể khiến trẻ bị thương tật suốt đời, mất đi khả năng học tập, lao động và để lại những tổn thương tâm lý nặng nề, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng. Song, tai nạn thương tích hoàn toàn có thể phòng tránh được, trong đó vai trò của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ là hết sức quan trọng. Do đó, để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, các bậc cha mẹ cần có sự quan tâm chăm sóc chu đáo, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ; khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động bổ ích tại địa phương trong dịp nghỉ hè; trang bị cho trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm. Đặc biệt, không để trẻ tiếp cận những nguy cơ gây tai nạn thương tích như những vùng nước nguy hiểm, ao hồ, sông suối; nên bố trí các vật dụng nguy hiểm như: dao, kéo, nước sôi, xăng, dầu, ổ điện... xa tầm với của trẻ và không cho trẻ tiếp xúc với các vật nhỏ dễ gây hóc như cúc áo, đồng xu, viên bi, hạt đậu…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc