Multimedia Đọc Báo in

Mô hình "Ngân hàng bò" ở huyện Cư M'gar: Tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên

08:59, 18/07/2019

Dự án "Ngân hàng bò'' do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động từ năm 2009 nhằm giúp các hộ nông dân nghèo có tư liệu sản xuất, đem lại nguồn thu, hướng đến thoát nghèo bền vững. Hưởng ứng dự án này, Hội CTĐ huyện Cư M’gar đã triển khai mô hình “Ngân hàng bò” từ năm 2014 và phát động rộng khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Để mô hình phát huy hiệu quả thiết thực, Hội CTĐ huyện đã kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ, chung tay thực hiện; các xã, thị trấn tự chủ động kinh phí để triển khai mô hình. Khi có được nguồn quỹ, Hội sẽ khảo sát tìm kiếm đối tượng để trao tặng là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết, mỗi hộ được trao tặng một con bò cái sinh sản có nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là giống bò tại địa phương, với giá dao động từ 10 - 15 triệu đồng. Trước khi nhận bò, các hộ được tập huấn, hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm bảo đảm bò phát triển khỏe mạnh. Trong quá trình chăn nuôi, hằng tháng, hằng quý, cán bộ Hội CTĐ và cán bộ thú y thường xuyên đến từng hộ kiểm tra, theo dõi và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.

Sau thời gian 3 năm, nếu bò giống đẻ thì sau đó luân chuyển con bò mẹ cho hộ nghèo khác, còn những con bê con thì gia đình có công chăm sóc được thụ hưởng. Trường hợp hết thời hạn 3 năm mà bò mẹ chưa sinh hoặc bê con bị chết thì hộ đó được gia hạn thêm thời gian đến khi sinh lời rồi mới chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi…

Chị Ngô Thị Hạnh (thôn 2, xã Ea Kpam) chăm sóc bò được hỗ trợ.
Chị Ngô Thị Hạnh (thôn 2, xã Ea Kpam) chăm sóc bò được hỗ trợ.

Gia đình chị Ngô Thị Hạnh (thôn 2, xã Ea Kpam) là một trong những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được chương trình “Ngân hàng bò” của xã Ea Kpam trao tặng bò giống năm 2017. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay con bò cái đã sinh ra 1 con bê khỏe mạnh. Trong thời gian còn lại, vợ chồng chị sẽ chăm sóc thật tốt để con bò đẻ thêm 1 con bê nữa trước khi luân chuyển cho hộ khác. Nhờ được tham gia mô hình này, gia đình chị Hạnh đang từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Từng là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng ông bà có 3 người con nhưng 2 người bị nhiễm di chứng của chiến tranh nên không được minh mẫn, gia cảnh túng quẫn, không có đất đai sản xuất… Năm 2015 UBND xã Quảng Tiến đã trích quỹ của mô hình “Ngân hàng bò” hỗ trợ gia đình bà Hồng 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng. Sau 3 năm chăm sóc, bò mẹ đã sinh được 2 bê con và gia đình bà đã bàn giao con bò mẹ cho Hội CTĐ xã theo đúng cam kết để hỗ trợ hộ nghèo khác.

Bà Hồng cho biết, từ khi nhận được bò hỗ trợ, gia đình bà đã gây dựng được tài sản có giá trị là những con bò khỏe mạnh. Ngoài ra, hằng tháng bà còn có thêm thu nhập từ việc bán phân bò cho các gia đình trồng cà phê, cây ăn quả.

Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) chăm sóc bò được hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) chăm sóc bò được hỗ trợ.

Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cư M’gar Nguyễn Thị Hoa cho hay, hầu hết những hộ nhận bò đều chăm sóc đúng cách, bò phát triển khỏe mạnh. Mô hình này được đánh giá cao bởi tính thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo sinh kế, động lực để các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, Hội CTĐ huyện sẽ tiếp tục vận động sự đóng góp của các mạnh thường quân trong và ngoài huyện để triển khai, nhân rộng mô hình, qua đó có thêm nhiều hơn nữa hộ nghèo được hưởng lợi.

       Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.