Multimedia Đọc Báo in

Cám cảnh cuộc sống đơn độc, nghèo khó của cụ bà 85 tuổi

07:59, 18/08/2019

Người dân thôn 4, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) ai cũng thương cụ bà Lê Thị Đông (85 tuổi) sống thui thủi một mình trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Không nhà, không đất, bà con thôn 4 tạo điều kiện cho bà Đông dựng nhờ căn nhà lụp xụp diện tích chỉ chừng 12 m2 trên đất của hội trường thôn. Những năm trước đây, bà Đông mưu sinh bằng việc làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm đó. Làm lụng vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ để nuôi thân và chi phí thuốc men những khi trái gió trở trời. Những ngày mưa dầm gió rét không đi làm được thì bà Đông phải chịu cảnh bữa đói, bữa no; thậm chí có ngày bà chỉ dám ăn một bữa vào buổi xế chiều để tối đi ngủ không bị đói.

Khi bước vào tuổi 70, già yếu không thể đi làm thuê được nữa thì bà chuyển sang lượm mót nông sản kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày để sống qua ngày đoạn tháng. Năm nay, ở tuổi 85 thì bà không còn sức làm lụng gì nữa, chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp xã hội và thỉnh thoảng nhận được 5 – 10 kg gạo của một ngôi chùa hỗ trợ. Ngày nào khỏe bà đi men hai bên đường lượm ve chai kiếm thêm từ 5.000 – 10.000 đồng. 

Bà Đông trước ngôi nhà lụp xụp dựng tạm trên đất  của thôn.
Bà Đông trước ngôi nhà lụp xụp dựng tạm trên đất của thôn.

Trong căn nhà tồi tàn của bà Đông không có gì đáng giá; chỉ có duy nhất một chiếc giường nhỏ cũ được một người tốt bụng cho. Thức ăn hằng ngày của bà chỉ là những nắm rau dại hái ven đường lúc thì nấu canh, lúc lại luộc chấm xì dầu.

Hoàn cảnh neo đơn, khó khăn của cụ bà Lê Thị Đông (85 tuổi) rất cần được các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân có tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ để bà có chút an ủi lúc tuổi già. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cụ bà Lê Thị Đông, thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Minh Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.