Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm giải quyết chế độ cho lực lượng lao động tiền trạm tỉnh Thái Bình

10:00, 17/08/2019

Giai đoạn 1976 – 1980, hàng nghìn thanh niên từ tỉnh Thái Bình được huy động đi lao động tiền trạm kinh tế mới ở Đắk Lắk và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ cho lực lượng này hiện địa phương vẫn còn lúng túng.

Ông Nguyễn Công Tán (thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) quê ở xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cuối tháng 9-1976, ông cùng 200 thanh niên lên đường vào huyện Ea Súp lao động tiền trạm. Tại đây, ông cùng lực lượng xung kích tiền trạm từ những địa phương khác có nhiệm vụ khảo sát, quy hoạch, khai hoang, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu như làm nhà, mở đường giao thông để chuẩn bị đón dân vào kinh tế mới.

Đầu năm 1977, ông được điều động sang đắp đập, khai hoang vùng Buôn Triết, đến năm 1980 thì hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông Tán, thời điểm đó, cuộc sống khó khăn, gian khổ, thường xuyên bị bệnh sốt rét hành hạ, nhưng ai cũng hăng hái, quyết tâm hoàn thành công việc. Bên cạnh lao động tiền trạm, lực lượng này còn làm nhiệm vụ chống Fulro, nên nhiều người đã chết, bị thương. Sau khi kết thúc thời gian tiền trạm, người thì trở về Thái Bình, số còn lại tiếp tục gắn bó với mảnh đất cao nguyên cho đến nay.

Ông Nguyễn Công Tán là người Thái Bình đi lao động tiền trạm kinh tế mới tại Đắk Lắk giai đoạn 1976 - 1980,  hiện đang sinh sống tại xã Buôn Triết, huyện Lắk.
Ông Nguyễn Công Tán là người Thái Bình đi lao động tiền trạm kinh tế mới tại Đắk Lắk giai đoạn 1976 - 1980, hiện đang sinh sống tại xã Buôn Triết, huyện Lắk.

Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện có gần 600 người Thái Bình đi tiền trạm giai đoạn 1976 – 1980 đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng này đã có hồ sơ, đơn thư đề xuất được hưởng chế độ.

Tuy nhiên, theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, thì không thuộc phạm vi giải quyết, vì lực lượng này chưa được công nhận là thanh niên xung phong.

Năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Thái Bình đã làm việc để rà soát, xác minh và thống nhất một số nội dung về lực lượng thanh niên đi tiền trạm đang sinh sống tại 2 tỉnh và kiến nghị Trung ương hướng dẫn giải quyết chế độ cho số đối tượng này.

Ngày 31-10-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 2169/TTg-KGVX về việc giải quyết chế độ cho lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới của tỉnh Thái Bình làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam thời kỳ 1976 - 1980. Theo đó, người hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng lương hưu, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hằng tháng sẽ được trợ cấp một lần tính theo số năm thực tế làm nhiệm vụ.

Cụ thể, từ 2 năm trở xuống được hưởng trợ cấp 2,5 triệu đồng; trên 2 năm, từ năm thứ 3 trở đi, cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho những trường hợp đang sinh sống tại tỉnh Thái Bình. Đây là một thiệt thòi cho các đối tượng trên đang sinh sống tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Do đó, từ năm 2015 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến về việc giải quyết chế độ cho lực lượng lao động tiền trạm tỉnh Thái Bình đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đến nay, Trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp nêu trên.

Thiết nghĩ, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm có ý kiến, hướng dẫn cụ thể về cơ chế, phương án giải quyết chế độ cho lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới của tỉnh Thái Bình để địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng này.

Ngày 13-7-2018, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-UBND về việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đối với lực lượng thanh niên tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới Thái Bình tại tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Sông Bé giai đoạn 1976 – 1980.

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.