Công phu nghề gia công đồ gỗ cũ
Những năm gần đây, do nhu cầu mua sắm sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của người dân ngày càng cao nên nghề gia công đồ gỗ ngày càng phát triển. Gắn bó với nghề này đã được 8 năm, ông Trần Thanh Xuân (ở tổ 1, khối 9, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) nổi tiếng trong giới chơi đồ gỗ là người có bàn tay khéo léo về gia công, phục chế các sản phẩm đồ gỗ cũ.
Trước kia ông Xuân làm nghề lái xe. Nhận thấy nhiều gia đình muốn làm mới, sửa chữa những sản phẩm từ gỗ như: tủ, bàn ghế, giá sách, lục bình, tượng Phật…, hoặc có nhu cầu bán những sản phẩm gỗ không còn sử dụng nên ông đã học hỏi kỹ thuật gia công đồ gỗ cũ và chuyển sang làm nghề này. Ông tìm đến các xưởng mộc học rồi tự tìm hiểu thêm kỹ thuật gia công gỗ cho đẹp và bền.
Ông Xuân bên chiếc tủ mới gia công. |
Ông Xuân chia sẻ, gia công một món đồ gỗ thường trải qua rất nhiều công đoạn: đầu tiên phải dùng máy mài cho sạch lớp sơn cũ, rồi dùng keo trộn mùn cưa để trám, trét lên những chi tiết, bộ phận hư hỏng, mối mọt; kế tiếp là dùng giấy nhám và máy rung cho gỗ mịn và bóng; tẩy cho gỗ sạch các vết bẩn, bụi, mang phơi nắng ở nhiệt độ từ 32 - 34 độ cho khô bề mặt gỗ rồi dùng nước lót quét lau để phủ lên bề mặt gỗ. Công đoạn tiếp theo là dùng máy rung lại và dùng sơn phun 4 lần; cuối cùng sơn PU là hoàn thiện.
Phải trải qua nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận nên nghề này đòi hỏi cao ở người thợ sự khéo léo, kiên trì, tỉ mẩn. Những món đồ gỗ bị sứt mẻ, gãy bể thì phải chọn đúng chủng loại gỗ, đúng sắc, đúng vân để phục bản theo nguyên mẫu. Nhiều vết nứt rạn, rỗ phải bả bột đá, dăm mặt gỗ cho mịn rồi đánh vecni... Với đồ cổ, không phun công nghiệp loại vecni PU được mà phải sử dụng vecni là cồn ngâm cánh kiến thấm bột đánh bằng tay, mài đi mài lại nhiều lần, thậm chí một cái tủ làm trong vài ngày chưa xong.
Chính bởi sự kỳ công như vậy nên giới thợ trẻ thường ngại, từ chối gia công những món đồ gỗ cũ, cổ. Riêng ông Xuân càng làm nghề càng thêm đam mê, nhiều khi ông dành hết tâm sức cho công việc đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Vì vậy, các đồ gỗ cũ do ông gia công đều được làm rất kỹ, sắc sảo, chắc chắn, thẩm mỹ cao, đẹp như mới mua. Ngoài gia công, ông còn tư vấn cho khách hàng thiết kế, trưng bày các món đồ như thế nào cho đẹp, phù hợp với không gian. Sự kỳ công, nhiệt tình của ông khiến ngày càng nhiều khách hàng biết tiếng.
Bên cạnh việc gia công đồ gỗ cũ, ông Xuân còn dành nhiều thời gian, công sức đi tìm mua đồ gỗ cũ về gia công để bán lại. Ông tâm sự, làm cái nghề “theo chân người chán, gả cho người ưa” này phải có đam mê và tinh nghề; có khi cả mấy tháng “ngồi chơi xơi nước” chả được đồng nào, có khi thẩm định sai thâm niên, giá trị của mặt hàng là lỗ. Hiện nay, nghề gia công đồ gỗ này mang lại cho ông Xuân thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, song “lãi” lớn nhất với ông chính là niềm hạnh phúc được thỏa niềm đam mê của mình.
Đoàn Hân
Ý kiến bạn đọc