Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề nông thôn ở thị xã Buôn Hồ: Giải pháp bền vững giúp người dân thoát nghèo

09:07, 16/08/2019

Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp thiết thực giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua, thị xã Buôn Hồ đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề kết hợp tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Xã Ea Siên có 10 thôn, 1 buôn, với 1.424 hộ (7.278 khẩu), trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 87,6% (1.136 hộ, 6.279 khẩu); tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%. Để giúp người dân thoát nghèo, ngoài việc thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều chính sách, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm được xem là một trong những giải pháp bền vững, góp phần thực hiện tiêu chí hộ nghèo (tiêu chí số 11 trong xây dựng nông thôn mới).

Như trường hợp em Hoàng Văn Động (SN 1989, dân tộc Nùng, thôn 1B) sau khi học xong phổ thông trung học, do hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 2018, khi biết về lớp dạy nghề hàn điện miễn phí do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã tổ chức, vốn đam mê cơ khí nên Động đã đăng ký tham gia. Sau 3 tháng tham gia khóa học, có nghề trong tay, Động đã mở một cơ sở cơ khí nhỏ tại gia đình chuyên về làm cửa sắt, mái che, đồ gia dụng… Sau hơn 1 năm, cơ sở của Động đã đi vào ổn định, người dân trong xã đã tin tưởng và đặt hàng cho em làm, mang lại thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/tháng. Cơ sở cơ khí của Động cũng được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã chọn làm nơi mở lớp dạy nghề hàn cho thanh niên của xã trong năm 2019 (khai giảng vào tháng 6 vừa qua).

Cơ sở hàn của em Hoàng Văn Động được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã chọn làm nơi đào tạo nghề hàn cho thanh niên tại xã Ea Siên.
Cơ sở hàn của em Hoàng Văn Động được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã chọn làm nơi đào tạo nghề hàn cho thanh niên tại xã Ea Siên.

Còn em Hoàng Văn Đại (SN 1987, dân tộc Nùng, thôn 1B), nhận thấy việc ứng dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến tại địa phương, trong khi đó người biết nghề sửa chữa máy lại không có nên Đại đã tham gia học lớp sửa chữa máy nông nghiệp (năm 2018). Sau 3 tháng học nghề, cùng với kinh nghiệm tự sửa chữa máy móc của gia đình, tay nghề của Đại đã vững vàng, ngoài việc phục vụ cho hoạt động sản xuất của gia đình, Đại giờ còn là thợ máy của thôn.

Em Hoàng Văn Đại (bìa phải ảnh) hướng dẫn thanh niên trong xã sửa chữa máy nổ.
Em Hoàng Văn Đại (bìa phải ảnh) hướng dẫn thanh niên trong xã sửa chữa máy nổ.

Hay như em Triệu Văn Giáp (SN 1991, thôn 1A), sau khi tham gia học lớp chăn nuôi thú y (năm 2014) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo. Tuy đang còn gặp khó khăn do giá cả, dịch bệnh, nhưng Giáp không nản lòng. Từ nuôi heo thịt, Giáp đã chuyển sang nuôi heo nái, gây giống từ từ để vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh đó, Giáp còn làm thêm dịch vụ chăm sóc, điều trị bệnh thú y cho các hộ chăn nuôi trong xã. Là người chăm chỉ, năng động, chịu khó, Giáp còn được UBND xã trọng dụng, trở thành cộng tác viên thú y của xã.

Ông Y Thanh Kbuôr, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ cho biết, trước nhu cầu ngày càng phát triển của đời sống xã hội, cũng như gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, những năm gần đây, bên cạnh việc mở một số lớp về nông nghiệp thì Trung tâm đã chú trọng đến việc mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động như: may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn – điện, xây dựng dân dụng… Sau khóa học, ngoài số ít học viên có điều kiện tự mở cơ sở để làm, số còn lại cũng dễ dàng tìm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn các xã Ea Siên và Ea Đrông có khoảng 2.000 lao động đi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… điều này minh chứng cho hiệu quả của công tác đào tạo nghề đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2011 đến nay, thị xã Buôn Hồ đã tổ chức 52 lớp dạy nghề, với 1.778 học viên, trong đó nghề nông nghiệp 22 lớp (749 học viên), nghề phi nông nghiệp 30 lớp (1.029 học viên). Khoảng 85% học viên có việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với thu nhập 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.