Những khó khăn trong giải quyết chế độ cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học
09:42, 09/08/2019
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết chế độ cho khoảng 1.000 đối tượng hoạt động kháng chiến và gần 500 đối tượng là con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trong tổng số hơn 3.000 người bị nhiễm theo điều tra ban đầu.
Việc xét duyệt, giới thiệu khám giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ theo Thông tư số 41/2013/TT-LĐTBXH đã được Sở LĐ - TBXH thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ cho đối tượng này trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đó là văn bản hướng dẫn của các cơ quan bộ, ngành Trung ương ban hành chậm, có nhiều điểm còn chưa rõ ràng nên khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện, tiếp nhận, thẩm định và giải quyết chế độ.
Đơn cử như tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 30-6-2016 của Liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, trong đó có bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính. Để được giám định bệnh tật này, đối tượng phải có hồ sơ bệnh án trước ngày 30-4-1975.
Bà Hoàng Thị Tiến (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) và người con gái bị di chứng chất độc da cam. Ảnh: Q. Anh |
Còn đối với bệnh đái tháo đường type 2, có những đối tượng bị bệnh tiểu đường hơn 10 năm, nhưng khi đi giám định thì chỉ số đường huyết trong máu không đạt theo quy định. Lý do, hằng ngày họ uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường nên chỉ số đường huyết trong máu không đạt để được công nhận bệnh tiểu đường type 2. Nếu họ dừng uống thuốc trong một thời gian, chỉ số đường huyết trong máu tăng, để được công nhận bệnh tiểu đường type, thì liệu rằng có nguy hiểm đến tính mạng? Đã có không ít người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đến Sở LĐ-TBXH kiến nghị về bất cập này. Hay như quy định về sao lục hồ sơ bệnh án cũng gây không ít khó khăn cho người bị nhiễm chất độc hóa học.
"Nếu đối tượng vừa là thương binh, vừa bị nhiễm chất độc hóa học thì đời sống được cải thiện phần nào vì họ được hưởng hai chế độ ưu đãi. Đối tượng bị bệnh nằm trong danh mục quy định, nhờ được hưởng chế độ ưu đãi nên cuộc sống đỡ vất vả. Tuy nhiên, nếu đối tượng có con bị dị dạng, di tật thì hoàn cảnh rất khốn khó" - ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH).
|
Trong giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học còn một vướng mắc nữa cần được xem xét, đó là quy định những người tham gia hoạt động kháng chiến từ tháng 8-1961 đến 30-4-1975, có tham gia kháng chiến từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào (tức là ở các chiến trường B, C, K) hiện nay mắc bệnh theo danh mục quy định mới được xem xét, giải quyết chế độ. Trong thực tế có những trường hợp tham gia kháng chiến, họ ở miền Bắc, trên đường hành quân vào Nam, khi qua Nam vĩ tuyến 17 đã vượt quá mốc thời gian 30-4-1975 do đó không được xem xét giải quyết, như vậy sẽ rất thiệt thòi.
Thêm một trăn trở trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học là thế hệ thứ ba. Hiện nay, Đảng, Nhà nước mới chỉ xem xét, giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (người trực tiếp và người gián tiếp) bị nhiễm chất độc hóa học. Trong thực tế, có không ít trường hợp không để lại di chứng cho thế hệ thứ hai mà để lại cho thế hệ thứ ba - đó cháu của người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên xem xét, quan tâm đối tượng là người dân sinh sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh mà hiện nay họ bị mắc các bệnh tật trong danh mục quy định. Theo ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TBXH) thì: "Chúng ta không gọi họ là người có công với cách mạng nhưng nên có cơ chế, chế độ ưu đãi đặc thù đối với họ. Nếu không giải quyết chế độ chất độc hóa học thì chúng ta vẫn phải giải quyết chế độ bảo trợ khi gia đình của họ có các bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học".
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc