Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện tiêu chí môi trường ở huyện Krông Pắc: Cần thay đổi nhận thức của người dân

08:54, 26/08/2019

Để thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Krông Pắc đã huy động mọi nguồn lực, đầu tư hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, để hoàn thành tiêu chí này cũng cần phải nâng cao nhận thức của nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Những kết quả bước đầu

Xác định tiêu chí số 17 là một trong những tiêu chí khó thực hiện nên ngay khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Krông Pắc đã chỉ đạo cho các phòng, ban chức năng, từng xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng.

Một đoạn đường xanh - sạch - đẹp ở xã Ea Kly.
Một đoạn đường xanh - sạch - đẹp ở xã Ea Kly.

Là một trong những xã đầu tiên của huyện về đích chương trình nông thôn mới, hiện nay diện mạo môi trường ở xã Ea Kly đã đổi thay nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Đó là hình ảnh những con đường sạch đẹp với hệ thống cây xanh phủ khắp. Đặc biệt, người dân đã có ý thức thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất, nhờ đó bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ rệt. Đến nay toàn xã đã có 20/32 thôn buôn thành lập được tổ thu gom rác thải; 80% số hộ dân đăng ký thực hiện thu gom rác. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi gia súc,  gia cầm cũng đã ý thức được việc xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường xung quanh. Không chỉ thế, gần như 100% số hộ dân của xã đã có nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Krông Pắc, thực hiện tiêu chí số 17 trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, 15/15 xã có quy hoạch đất làm nghĩa trang và có đơn vị, tổ thu gom rác thải; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm trên 93,4%; tỷ lệ thu gom – xử lý rác thải khu vực trung tâm các xã đạt 79%... Ngoài ra, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì có hiệu quả như: phong trào “5 không, 3 sạch”, “Con đường tự quản”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên... cũng đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường vùng nông thôn.

Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Thực tế cho thấy, tiêu chí số 17 là tiêu chí khó thực hiện đối với nhiều địa phương, nhất là những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bởi nó bao gồm nhiều nội dung như: xây dựng cảnh quan, môi trường; thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn đúng quy trình; các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, có chuồng trại tách biệt khu nhà ở; các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm... Những nội dung này không chỉ yêu cầu cần đầu tư kinh phí, mà còn phụ thuộc vào tập quán, thói quen, ý thức của chính người dân. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự đồng thuận và tham gia ngày càng tích cực hơn của nhân dân thì mới có thể hoàn thành sớm tiêu chí này.

Đến nay, huyện Krông Pắc đã có 9/15 xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Đơn cử như ở xã Ea Uy, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm 35%, những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường từ tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, làm chuồng trại tạm bợ ngay sát nhà ở và không có nhà tiêu hợp vệ sinh… trở thành vấn đề nan giải. Cùng với đó, hầu hết ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đều chưa có hoạt động thu gom và xử lý rác thải mà chủ yếu là người dân tự đốt, chôn lấp hoặc thải ra môi trường xung quanh. Đơn cử như hộ ông Núa (buôn Hằng 1C), vì cuộc sống còn khó khăn cũng như tập quán sinh hoạt nên mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân của cả gia đình đều thải ra bãi đất trống sau nhà. Không chỉ thế, chuồng trại chăn nuôi bò cũng chỉ làm tạm bợ và thường thả rông trong khuôn viên nhà gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chuồng trại chăn nuôi của một hộ dân ở buôn Hằng 1C (xã Ea Uy) quây tạm bợ trong khuôn viên nhà ở.
Chuồng trại chăn nuôi của một hộ dân ở buôn Hằng 1C (xã Ea Uy) quây tạm bợ trong khuôn viên nhà ở.

Với một số địa phương khác, do thiếu nguồn kinh phí đầu tư xây dựng khu quy hoạch chăn nuôi tập trung nên phần lớn các hộ chăn nuôi còn nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường; một số xã chưa có bãi xử lý rác thải, số xã đã có bãi rác thì chủ yếu xử lý bằng cách là chôn lấp và đốt… Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Pắc chia sẻ: “Vấn đề khó thực hiện trong tiêu chí môi trường ở địa phương hiện nay ngoài thiếu nguồn kinh phí đầu tư thì trình độ dân trí, tập quán sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã khó khăn cũng tác động không nhỏ. Do đó, để hoàn thành tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội, thì người dân cần thay đổi nhận thức, tập quán”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.