Multimedia Đọc Báo in

Gập ghềnh đường đến Tiểu khu 249

08:25, 06/09/2019

Rời các tỉnh miền núi phía Bắc đến miền quê mới để mong đổi đời, song hiện cuộc sống người dân Tiểu khu 249 (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) vẫn còn lắm chông chênh, trở ngại.

Mùa mưa khiến con đường vào Tiểu khu 249 bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo chân các cán bộ xã Ea Lê vào Tiểu khu, chúng tôi nhiều lần thót tim khi đi qua quãng đường khoảng chục cây số đồi núi, lắm ngã rẽ. Trên con đường vắng ngắt, nhiều đoạn, người cầm lái phải căng mắt tập trung, liên tục tăng ga, về số thấp thì chiếc xe máy mới “leo” qua được khúc cua ngoằn ngoèo. Một cán bộ xã cho hay, cũng may trời nắng đẹp, đường đã tạnh ráo nên đi dễ hơn, chứ vào những ngày mưa, đường còn lầy lội, trơn trượt hơn nhiều. Nếu không có người dẫn đường, hiếm ai lần đầu có thể tìm đến được Tiểu khu 249.

Chật vật trên cung đường dài, cuối cùng chúng tôi cũng đến được miền đất bạt ngàn đồi núi. Tiểu khu 249 nằm biệt lập giữa đại ngàn, nên sóng điện thoại khá chập chờn. Nơi đây, từ năm 2003 đến nay, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu là đồng bào Dao, Hmông, Tày, Nùng di cư tự do vào sinh sống. Ban đầu chỉ khoảng chục hộ dân, nhưng hiện dân số đông dần lên với khoảng 160 hộ, trên 850 nhân khẩu. Cuộc sống gần như biệt lập, khiến họ ngại giao tiếp với bên ngoài, rất ít người thành thạo tiếng phổ thông.

Đường vào Tiểu khu 249 xuống cấp trầm trọng.
Đường vào Tiểu khu 249 xuống cấp trầm trọng.

Trong căn nhà lụp xụp, chị Sùng Thị Si đang bế đứa con nhỏ trên tay. Khi chúng tôi bắt chuyện, chị chỉ cười, thỉnh thoảng mới chậm rãi trả lời vài câu ngắn. Vợ chồng chị có 3 người con, hằng ngày chồng chị đi làm rẫy để lo cho người vợ vừa sinh cùng hai đứa con nhỏ. Cách nơi ở của anh chị không xa, cũng là những ngôi nhà vắng tiếng người lớn. Bố mẹ lên nương làm rẫy lo cơm áo, gạo tiền, để lũ trẻ ở nhà tự chơi với nhau. Cuộc sống miền đất mới không dễ dàng, đất sản xuất lại có hạn khiến họ phải cố gắng thật nhiều mới mong đủ lo cho con cái.

Di cư tự do vào vùng đất mới, các hộ dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tất cả các hộ dân đều cư trú bất hợp pháp trên đất lâm nghiệp nên chưa được cấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và cả sổ đỏ. Tiểu khu 249 đến nay vẫn chưa được thành lập thôn, không có địa giới hành chính, hay các chức vụ trưởng, phó thôn, mà chỉ có tổ tự quản. Tên gọi Tiểu khu 249 được đặt theo tên một công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn… Đó là chưa kể, do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn phát triển kinh tế nên người dân đã phá rừng làm nương rẫy, gây nên tình trạng xâm chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân với nhau hoặc với các công ty lâm nghiệp…

Một góc làng của người dân ở Tiểu khu 249.
Một góc làng của người dân ở Tiểu khu 249.

Anh Bàn Văn Sỉnh, Tổ trưởng tổ tự quản Tiểu khu cho hay, Tiểu khu chưa có điện nên để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, người dân phải sử dụng điện năng lượng mặt trời hoặc bình ắc quy. Dù điện năng khá yếu, nhưng cũng phần nào xua đi cái nóng vùng biên oi nồng trong những căn nhà mái tôn lụp xụp, chật hẹp.

 

Dẫu cuộc sống của người dân ở Tiểu khu vẫn còn chông chênh, nhưng như vậy vẫn còn đỡ hơn rất nhiều lần so với quê cũ (các tỉnh miền núi phía Bắc). Nếu không bám trụ miền đất mới, chúng tôi không biết phải về đâu?”.

 
Anh Bàn Văn Sỉnh, Tổ trưởng tổ tự quản Tiểu khu 249

Không điện, đường giao thông cũng xuống cấp trầm trọng khiến mọi sinh hoạt cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Chị Bàn Thị Quan tâm tình: “Bữa nay đường xấu tệ luôn. Nhiều hôm, chúng tôi muốn ra trung tâm để mua ít đồ ăn, nhưng đành phải quay lại, vì nước dâng ngập cầu, không thể đi tiếp được. Tội hơn cả vẫn là các thầy cô giáo, đường sá gập ghềnh, trong khi năm học mới đã bắt đầu”.

Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, con đường “đau khổ” còn khiến nông sản bà con làm ra khó bán. Nơi đây ít sông suối, việc sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất không ổn định, đã vậy nông sản còn bị tiểu thương ép giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đơn cử như vụ ngô năm nay, bà con vừa phải hứng chịu thiên tai liên tục, vừa bị mất mùa, mất giá, thua lỗ nặng.

Vất vả nhất phải kể đến là việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Cách Trạm Y tế xã tầm 15 km, nên mỗi khi có người đau ốm, xe cấp cứu không vào được, bà con phải cột võng lên xe càng, hoặc thồ người bệnh bằng xe máy. Cách đây ít năm, chị Trịnh Mùi Mui khi chuyển dạ được chồng chở xe máy ra Trạm, do xe ì ạch bò quá lâu trên cung đường gập ghềnh nên chị đã sinh con giữa đường. Rút kinh nghiệm, bây giờ mỗi lần chuẩn bị sinh nở, phụ nữ ở Tiểu khu đều ra trung tâm trước vài ngày để tiện theo dõi sức khỏe cho mẹ và trẻ nhỏ…

Theo lãnh đạo xã Ea Lê, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều quan tâm, giúp đỡ người dân Tiểu khu 249. Cụ thể, hiện Tiểu khu đã có trường mẫu giáo và phân hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, tiện lợi cho trẻ em địa bàn đến trường; đường giao thông cũng đã được mở rộng. Cùng với đó, địa phương cũng thường xuyên kêu gọi, phối hợp với các cá nhân, tổ chức thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ người dân để họ vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống.

Châu Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.