Huyện Ea Súp: Nhiều thách thức về công tác dân số ở vùng di cư ngoài kế hoạch
Tiểu khu 249 cách trung tâm xã Ea Lê khoảng 15 km, gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Khu vực này có trên 160 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ở đây có nhiều gia đình có 3-5 người con, thậm chí nhiều hơn. Vợ chồng anh Đào Văn Sinh và chị Lý Thị Minh là một ví dụ. Hằng ngày anh chị quần quật lao động trên nương rẫy, để 6 đứa con nhỏ ở nhà tự chăm sóc nhau. Có lẽ đã quá quen với việc thiếu vắng mẹ, nên dù nắng nóng như thiêu như đốt nhưng cậu em chưa đầy một tuổi vẫn ngủ ngon lành trên lưng chị là Đào Thị Chở (11 tuổi). Chở cho hay, cháu là con thứ ba trong nhà, do học yếu, nhà lại khó khăn nên bản thân cháu và hai anh chị là Thắng (15 tuổi), Dương (13 tuổi) đều nghỉ học sớm.
Gần đó là gia đình anh Đào Văn Sình (SN 1995) và vợ Hoàng Thị Thào (SN 1994) cưới nhau đã được 6 năm và có 2 con. Cả hai nói tiếng phổ thông không rành, ảnh hưởng nhiều đến việc học nên mới học đến lớp 5 đã nghỉ. Lập gia đình khi tuổi đời còn quá trẻ, lại không có công việc ổn định nên hằng ngày anh chị phải làm thuê làm mướn, lên rừng hái măng để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống túng thiếu, khó khăn khiến Sình và Thào già hơn nhiều so với tuổi tác.
Cháu Đào Thị Chở ở nhà trông em để bố mẹ đi làm nương rẫy. |
Là cộng tác viên dân số tại địa bàn, chị Bàn Thị Quan vẫn thường xuyên tranh thủ thời gian đến các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Sâu sát với địa bàn, chị Quan gặp từng người, tỉ tê trò chuyện, nắm bắt tâm tư để hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như thuốc tránh thai, bao cao su, tiêm thuốc…
Nhờ vậy, đã có những thời điểm, Tiểu khu 249 thực hiện khá tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ ba. Tuy vậy, những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ ba có dấu hiệu gia tăng trở lại, chỉ từ năm 2018 đến nay đã có thêm 5 trường hợp. Tương tự, tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại do quan niệm cổ hủ, lạc hậu của một số gia đình. Mới đây nhất là trường hợp chị Triệu Mùi Mán lập gia đình khi mới 15 tuổi.
Thực trạng đông con, tảo hôn tại Tiểu khu 249 (xã Ea Lê) cũng là “lời ru buồn” của một số xã vùng xa trên địa bàn huyện Ea Súp. Đặc biệt là ở các vùng dân di cư ngoài kế hoạch thuộc các xã: Cư Kbang, Ea Rốk, Cư M’lan. Đơn cử, tại các thôn 14, 15, 16 và 3 cụm dân cư (8, 9, 10) thuộc xã Cư Kbang, không khó để bắt gặp những gia đình đông con, chen chúc trong căn nhà lụp xụp, chật hẹp, thiếu thốn trăm bề.
Chị Sùng Thị Si (Tiểu khu 249, xã Ea Lê) đang chăm đứa con thứ 3 bị sốt. |
Theo ông Đoàn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm DS-KHHGĐ) huyện Ea Súp, để nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện nói chung và các vùng di cư ngoài kế hoạch nói riêng, hằng năm Trung tâm đã tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện công tác này. Cùng với đó, đơn vị còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như về điều kiện địa lý, trình độ dân trí, phong tục tập quán nên công tác dân số ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Chị Bàn Thị Quan thì cho rằng chế độ cho cộng tác viên dân số cũng là điều cần lưu tâm. Cộng tác viên dân số ở thôn buôn phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất nhiều, nhưng mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 100.000 đồng. Do đó, chị mong muốn cơ quan chức năng quan tâm đến chế độ chính sách, tạo điều kiện tốt hơn cho cộng tác viên dân số làm tròn nhiệm vụ.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc