Multimedia Đọc Báo in

Mùa "ngủ rẫy"

08:54, 29/09/2019

Khi cây lúa trổ đòng, trái ngô đóng hạt, sắn già trên nương... cũng là lúc đồng bào dân tộc thiểu số rời nhà lên rẫy ở. Tập tục “ngủ rẫy" này hình thành từ thuở khai hoang lập buôn và được người dân duy trì, gìn giữ cho đến ngày nay.

Trong căn chòi nhỏ cô quạnh giữa núi rừng, chị H’ Bay Hwing (buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cắm cúi bên bếp lửa chuẩn bị cơm trưa. Chị bảo, chị có nhà trong buôn nhưng toàn ở rẫy. Thấy khách ngạc nhiên, chị giải thích, ở đây nhà nào có rẫy cũng vậy. Chuẩn bị tới vụ thu hoạch lúa, ngô... là họ đùm gạo, đồ đạc lên chòi ở hẳn. Lúc này, chòi rẫy mới là nơi ở chính.

Tập tục “ngủ rẫy" có từ thời ông bà, xuất phát từ nhu cầu canh giữ cây trồng lúa, ngô... không bị con chim, con thú phá hoại. Nay mùa “ngủ rẫy" vẫn được duy trì, chỉ một điều khác là thời gian “ngủ” bây giờ ngắn hơn xưa. Do trước đây, đường lên rẫy khó khăn, mỗi lần đi phải cuốc bộ nửa ngày mới tới nên người dân “ngủ rẫy" từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch hết vụ mới về. Còn nay nhiều thứ thuận lợi, xe máy, xe cày có cả nên mùa “ngủ rẫy" bắt đầu muộn hơn, khi cây trồng đơm hoa kết quả. Đây là thời điểm quan trọng cần người để canh các loại côn trùng, chim thú phá hoại mùa màng.

Chị H’ Bay trồng vườn rau lang làm thức ăn.
Chị H’ Bay trồng vườn rau lang làm thức ăn.

Nhà chị H’Bay có 2 rẫy nằm cách xa nhau, mỗi rẫy dựng 1 chòi. Chị ở chòi gần buôn rộng chừng 15 m2 để tiện cho việc trông nom rẫy lúa, chăn thả trâu bò và bọn trẻ đi học. Chòi rẫy xa nằm ở buôn Drang Phốk (xã Krông Na) chị giao cho chồng coi quản. Cuộc sống “ngủ rẫy" rất đơn sơ, chỉ có chiếu, tấm chăn và ít đồ dùng sinh hoạt cần thiết như nồi niêu, chén bát. Thức ăn hằng ngày chủ yếu là tự cung tự cấp. Ngoài đám rau lang, rau ngót, bí đỏ... tự trồng, người dân còn tận dụng nguồn thực phẩm từ rừng, rẫy. Đặc biệt, họ bắt thêm con cá, ếch, lươn... để cải thiện bữa ăn đạm bạc.

Chị H’Bay kể tiếp, thời điểm đồng bào hưởng “lộc” nhiều nhất là vào kỳ lúa trổ bông ngậm sữa. Hương lúa thơm ngọt ngào quyến rũ các loài chim và dẫn dụ loài gặm nhấm tìm về, nhiều nhất là chuột. Muốn bắt chúng thật dễ, chiều tối, ta chỉ việc đặt bẫy hoặc giăng lưới quanh ruộng lúa; sáng ra thăm kiểu gì cũng dính vài chú chuột rừng béo múp. Đem chuột về trui sạch lông, bỏ hết nội tạng, ướp gia vị rồi chiên hoặc nướng là cả nhà có ngay món ngon bổ dưỡng.

Anh Ma Văn Canh nấu cơm bên căn bếp ở chòi rẫy.
Anh Ma Văn Canh nấu cơm bên căn bếp ở chòi rẫy.

Cũng là chòi rẫy song chòi của anh Ma Văn Canh (buôn Ea Rông, xã Krông Na) khá rộng, có phòng khách, bếp ăn và mái hiên riêng để dụng cụ lao động. Anh Canh bảo, tiếng là chòi nhưng lại ở nhiều hơn nhà chính. Rẫy cách nhà khoảng 7 cây số, sáng đi chiều về cũng không sao, song điều anh lo sợ nhất là trâu bò và cả voi rừng về phá hoa màu. Voi hay tới buổi tối và thường về khi cây lúa trổ đòng, trái ngô đóng hạt, sắn bắt đầu già... Đây toàn là món khoái khẩu của voi rừng, nếu không có người phát hiện tổ chức xua đuổi thì công sức cả mùa vụ sẽ bị đàn voi ăn phá hết.

Đêm xuống, một mình giữa đồi không lộng gió, anh Canh thú thật nhiều lúc cảm thấy cô đơn, trống trải lắm. Những lúc như vậy, anh thường tìm tới các bạn chòi gần đó làm vài ly rượu, hàn huyên tâm sự. Cứ thế, hết ngày này qua tháng nọ, vụ thu hoạch đến cũng là lúc kết thúc mùa “ngủ rẫy". Nhưng cái gì cũng vậy, lạ - quen, quen - lạ, anh Canh ngủ rẫy nhiều quá đến khi nằm giường nhà lại thấy nhớ cái mùi đất, mùi sương nương rẫy đến da diết.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.