Thăng trầm nghề cá hồ Ea Súp Thượng
Hồ Ea Súp Thượng là nơi có trữ lượng cá tự nhiên khá dồi dào với nhiều loại cá được thị trường ưa chuộng như cá lăng, bống tượng, chạch lấu... Tuy nhiên vài năm nay, ngư dân mưu sinh tại đây đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn cá tự nhiên, thu nhập ngày càng giảm sút.
Từ hơn 10 năm trước, ông Đinh Ngọc Huê (tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Ea Súp) đã theo nghề đánh bắt cá trên hồ Ea Súp Thượng. Lúc ấy, ông chỉ có chiếc thuyền gỗ, hai mái chèo đạp bằng chân. Mỗi ngày, ông chèo 4 chuyến, mỗi lượt di chuyển kéo dài đến gần 2 giờ nên rất vất vả và mất nhiều thời gian. Bù lại, nguồn cá bấy giờ rất dồi dào. Mỗi chuyến, ông đánh bắt được hàng tạ cá, phần lớn là rô phi, mè vinh và thác lát.
Ông Huê chia sẻ, thời điểm ăn nên làm ra của ngư dân hồ Ea Súp Thượng là những tháng mùa khô. Mực nước hồ xuống thấp khiến cá tập trung về lòng hồ nên dễ đánh bắt và thường gặp cá lăng, bống tượng… hơn. Mùa mưa nước lớn, ông chuyển sang giăng lưới ven bờ đón luồng cá từ các dòng suối trong rừng.
Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Phước (thôn 1, xã Ea Bung) thả lưới trên hồ Ea Súp Thượng. |
Khoảng 4 năm nay, ông Huê gắn thêm động cơ vào thuyền gỗ, mỗi lượt di chuyển đến điểm thả lưới chỉ còn khoảng nửa tiếng nên công việc đỡ vất vả hơn. Để những mẻ cá tươi ngon kịp phiên chợ sáng, ông và nhiều ngư dân tại đây đều phải thả lưới từ đầu buổi chiều hôm trước và bắt đầu thu lưới từ 2, 3 giờ sáng mỗi ngày, có hộ làm việc thâu đêm. Vất vả nhất là những hôm thời tiết lạnh và mưa lớn. Nhiều khi, lũ từ đầu nguồn về trong đêm, ngư dân đành chịu mất lưới, phải đầu tư lại từ đầu.
Anh Phạm Văn Song (tổ dân phố 5, thị trấn Ea Súp) cũng đã bám trụ với nghề khai thác cá cơm trên hồ Ea Súp Thượng khoảng 10 năm qua. Điểm khác biệt của cá cơm là chỉ xuất hiện tại hồ vào những tháng mùa mưa. Anh sử dụng vó cùng đèn để thu hút cá tập trung về nơi có ánh sáng. Khoảng 6 giờ tối, anh bắt đầu thắp đèn, đến 5 giờ sáng hôm sau mới cất vó. Những năm trước đây, anh khai thác 30 – 40 kg cá cơm mỗi đêm, còn hiện nay chỉ khoảng 10 kg, nên thu nhập không đáng kể. Vì lẽ này, thành viên tổ khai thác cá cơm của anh đã giảm hơn một nửa, chỉ còn vài hộ đang bám trụ.
Với tổ đánh bắt cá, tình hình cũng không khả quan hơn, lượng cá mắc lưới chỉ bằng 20 – 25% so với trước đây. Thu nhập của mỗi ngư dân sau khi trừ chi phí xăng dầu, khấu hao ngư cụ và phí đóng hằng tháng cho đơn vị quản lý hồ thì chỉ còn gần 200 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh đó, vì điều kiện làm đêm khá vất vả lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên mỗi thuyền chỉ khai thác khoảng 20 ngày/tháng. Một số ngư dân đã chuyển dần sang đầu tư vườn cây ăn trái hoặc làm thêm các công việc khác.
Anh Phạm Văn Song gắn bó với nghề khai thác cá cơm trên hồ Ea Súp Thượng suốt 10 năm qua. |
Ngoài tình trạng nguồn cá ngày càng suy giảm, các hình thức khai thác tận diệt trên hồ Ea Súp Thượng cũng là mối nguy cơ đối với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở đây. Vì vậy, những ngư dân đang bám trụ với nghề khai thác kiên quyết đấu tranh với kiểu khai thác này.
Ông Đinh Ngọc Huê cho biết, tổ của ông đã từng truy đuổi một hộ lén sử dụng kích điện để đánh bắt cá. Hình thức này bị cấm tuyệt đối tại đây bởi mỗi lần sử dụng kích điện, tất cả cá lớn nhỏ và cả trứng cá trong phạm vi bán kính 4 mét đều chịu ảnh hưởng, bị chết hoặc ngưng sinh trưởng. Trong quá trình đánh bắt, các thành viên của tổ cũng kịp thời phát hiện những người dân tự ý bắt cá bằng kích điện và báo với lực lượng tuần tra của đơn vị quản lý hồ xử lý.
Để khai thác bền vững, các thành viên tổ đánh bắt cá hồ Ea Súp Thượng chủ yếu dùng lưới cước mắt lớn. Cá khai thác từ hồ Ea Súp Thượng đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn nhờ cá hoàn toàn sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên giữa các cánh rừng. Điều mong mỏi nhất của ngư dân hồ Ea Súp Thượng hiện nay là đơn vị quản lý hồ trích kinh phí thu từ ngư dân để thả cá giống theo định kỳ và hạn chế việc đánh bắt cá bằng lưới bát quái, gắn việc khai thác đi đôi với phục hồi nguồn lợi thủy sản.
Hồ Ea Súp Thượng có tổng diện tích khoảng 1.400 ha, được giao cho Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn của tỉnh, cung cấp nước tưới cho hơn 7.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã Ea Lê, Ea Rốc, Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Ea Bung và thị trấn Ea Súp. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc