Multimedia Đọc Báo in

Chuyện cứu hộ của lính cứu hỏa

08:22, 05/10/2019

Ngoài nhiệm vụ chữa cháy, những người lính cứu hỏa (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh) còn tham gia cứu nạn, cứu hộ các trường hợp bị đuối nước, tai nạn giao thông... Công việc này cũng rất vất vả, hiểm nguy chẳng kém những khi phải đương đầu với “giặc lửa”.

Có lẽ chẳng bao giờ Trung úy Đinh Trọng Dũng quên được giây phút phải đối diện với "thần chết" trong lúc đang tiến hành trục vớt hai nạn nhân bị rớt giếng. Vụ việc xảy ra trong lúc anh cùng hơn 20 đồng đội đang tham gia cứu nạn hai nạn nhân bị tử vong do ngạt khí dưới giếng tại buôn K'Bung A, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn). Đây là một giếng sâu hơn 23 mét, bỏ hoang lâu, tích tụ nhiều khí độc, việc đưa thi thể hai nạn nhân lên gặp rất nhiều khó khăn do miệng giếng nhỏ. Thời gian cứu hộ kéo dài, trong môi trường toàn khí độc, thiếu ánh sáng, mất nhiều sức lực nên Trung úy Đinh Trọng Dũng đã bị choáng, ngất dưới giếng, may mắn là anh được đồng đội phát hiện, kéo dây lên và sơ cứu, hô hấp nhân tạo kịp thời. Sau lần thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần ấy đã có không ít người thân, bạn bè khuyên anh từ bỏ công việc này, song anh không chùn bước mà vẫn tiếp tục gắn bó với con đường đã chọn, dẫu biết rằng phải đối diện với nhiều hiểm nguy, vất vả.

Chiến sĩ cứu hỏa cứu hộ nạn nhân trong một vụ hỏa hoạn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Chiến sĩ cứu hỏa xuyên đêm tìm kiếm nạn nhân bị trôi cống ở khu vực hẻm đường Quang Trung – Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột.

Gần đây nhất, vào tháng 5-2019, hơn 15 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã xuyên đêm cứu hộ trường hợp nạn nhân bị trôi cống xảy ra ở đường Quang Trung – Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột). Lúc bấy giờ mưa rất lớn, nước chảy cuồn cuộn, đổ dồn về họng cống nơi nạn nhân bị nạn, việc cứu nạn, tìm kiếm hết sức khó khăn, nguy hiểm bởi đêm tối, rất dễ sẩy chân, bị nước cuốn trôi. Tuy nhiên hiểu được tâm trạng lo lắng, nôn nóng của gia đình nạn nhân, tất cả chiến sĩ được huy động tham gia cứu nạn đã quên cả mệt mỏi, trắng đêm dầm mưa, lần theo con cống xả ra suối dài gần 1km mới tìm được nạn nhân, đưa về để gia đình lo hậu sự. Về đến đơn vị cũng vừa lúc trời hừng sáng, anh em lại bắt đầu vào ca trực mới.

Chiến sĩ cứu hỏa cứu hộ nạn nhân trong một vụ hỏa hoạn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Chiến sĩ cứu hỏa cứu hộ nạn nhân trong một vụ hỏa hoạn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Tham gia cứu nạn những vụ việc nạn nhân bị đuối nước, rớt giếng, những người lính cứu hỏa cần có một thần kinh thép, kỹ năng xử lý tình huống hết sức bình tĩnh, khéo léo. “Chúng tôi cứ ám ảnh mãi trường hợp cứu nạn hai mẹ con bị rơi giếng tử vong. Do thương xót người thân nên một số người phía gia đình nạn nhân không chỉ tụ tập than khóc mà còn nôn nóng, nặng lời trách móc này nọ. Làm việc trong một môi trường cực kỳ căng thẳng như vậy, anh em phải tập trung hết sức, không một chút phân tâm, tìm cách đưa nạn nhân lên sớm nhất có thể. Còn đối với những vụ cứu hộ nạn nhân bị tử vong dưới nước đã nhiều ngày, thi thể đang trong quá trình phân hủy anh em phải có tâm lý vững vàng, can đảm, chiến thắng sự sợ hãi. Bản thân tôi vừa mới trục vớt một nạn nhân bị vùi dưới đáy hồ đã hơn 4 ngày, không còn nguyên hình hài, rất đáng thương”, Đại úy Đoàn Quyết Thắng nhớ lại.

 

“Khi thực hiện công tác cứu hộ, người lính cứu hỏa đối diện với nhiều thử thách, hiểm nguy rình rập. Xác định đây là đặc thù công việc, với lòng đam mê nghề nghiệp, chúng tôi luôn động viên nhau, không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh, ý chí, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ được phân công”.

 

 
Thiếu tá Phùng Việt Đức, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Khi tham gia cứu hộ những vụ tai nạn giao thông, những người lính cứu hỏa luôn gặp áp lực, chạy đua về mặt thời gian để có mặt kịp thời, có thể hỗ trợ, cứu hộ người bị nạn sớm nhất nhằm giảm thiểu hậu quả. Trường hợp cứu nạn vụ xe giường nằm bị lật vừa xảy ra ngày 16-7-2019 tại Km9 (Quốc lộ 26, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một ví dụ.

Thiếu tá Phùng Việt Đức kể: “Khoảng 3 giờ sáng thì trực ban nhận được tin báo có vụ tai nạn xe giường nằm xảy ra, nhiều người bị mắt kẹt trong xe, chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút chúng tôi đã có mặt tại hiện trường. Anh em phải dùng các thiết bị phương tiện chuyên dụng, kềm banh cắt thủy lực để cắt sắt, đưa nạn nhân ra ngoài, chuyển đi cấp cứu sao cho nhanh nhất. Anh em vừa làm nhiệm vụ vừa liên tục động viên, trấn an tinh thần người bị nạn, tránh xảy ra tình trạng hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau gây thương vong thêm”.

Tham gia công tác cứu hộ, những người lính cứu hỏa ngoài yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về thể lực còn phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức, kỹ năng đáp ứng đặc thù nhiệm vụ như bơi, lặn, sơ cứu ban đầu... Hằng năm theo kế hoạch huấn luyện, họ phải qua các đợt kiểm tra nghiêm ngặt, đi thực hành bơi lặn ở các ao hồ thường xuyên xảy ra những vụ việc đuối nước để tích lũy kinh nghiệm, tự trang bị các kỹ năng ứng phó độc lập trong các tình huống.

Có một câu chuyện thú vị không phải ai cũng biết về những người lính cứu hỏa tham gia cứu hộ là các anh được đào tạo khá bài bản về tâm lý học, am hiểu, phân tích tâm lý người đối diện. Đã có ít nhất 3 trường hợp định nhảy lầu tự tử bởi nhiều nguyên nhân, song khi được các anh tiếp cận, khuyên giải, phân tích đã từ bỏ ý định đó...

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.