Multimedia Đọc Báo in

Có một Phiên chợ Xanh Tử tế

11:05, 29/10/2019
Với mong muốn kết nối, tạo sân chơi cho các bạn trẻ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và tạo nguồn cho Dự án phát triển văn hóa đọc “Thư viện về buôn”, Ban quản lý Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức Phiên chợ Xanh Tử tế bày bán các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.

Theo đó, phiên chợ được tổ chức hai ngày thứ bảy, chủ nhật tuần cuối tháng. Tất cả các đơn vị được đăng ký tham gia miễn phí với điều kiện sản phẩm bảo đảm các yếu tố an toàn thực phẩm, được đóng gói bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường như giấy báo, giỏ tre, lá chuối... Chủ gian hàng lựa chọn cách thức đóng góp vào Dự án “Thư viện về buôn” theo cách thức trích lại 10% lợi nhuận để mua sách trao tặng thư viện ở các trường học vùng sâu, vùng xa hoặc đổi sản phẩm lấy sách tạo nguồn sách cho dự án.

Các bạn nhỏ đổi sách, báo cũ lấy sen đá tại Phiên chợ Xanh Tử tế.
Các bạn nhỏ đổi sách, báo cũ lấy sen đá tại Phiên chợ Xanh Tử tế.

Chị Trần Thị Nguyên, chủ Cơ sở sản xuất Hoa Đá BMT cho biết, chị tham gia vào các hoạt động cộng đồng tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột từ ngày 28-6-2019 đến nay. Ban đầu là đổi ba chai nhựa lấy một cây sen đá nhằm hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa". Sau đó, đơn vị mở rộng hoạt động theo nhu cầu thực tế gồm đổi sách, báo cũ và chai nhựa lấy sen đá. Hoạt động đổi sen đá đã gom được khoảng 1.000 chai nhựa dùng để xây dựng mô hình nhà ươm sen đá trưng bày tại đường sách. Hiện tại, ngoài tham gia Phiên chợ Xanh Tử tế thì hoạt động của gian hàng còn diễn ra vào các ngày cuối tuần. Tính đến thời điểm này, gian hàng đóng góp khoảng 1.600 đầu sách, báo các loại hướng đến Dự án "Thư viện về buôn".

Dự kiến, Phiên chợ Xanh Tử tế lần thứ ba diễn ra trong hai ngày 25 và 26-10 với sự tham gia của 15 Startup trong cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh với các gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm mắc ca, tinh dầu, cốm nghệ…

Còn với chị Vũ Thị Kiều Oanh, chủ một trang trại rau sạch ở huyện M’Đrắk cho biết, trang trại của gia đình có diện tích hơn 1 sào trồng các loại rau cải, cà chua, xà lách… theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi tham Phiên chợ, ngoài quảng bá sản phẩm nông sản của M’Đrắk thì 10% lợi nhuận từ gian hàng được trích lại để chung sức với các gian hàng khác cùng mua sách.

Không chỉ nhận được sự hưởng ứng tích của các cơ sở sản xuất mà Phiên chợ còn nhận được sự ủng hộ của người tham quan. Chị Nguyễn Thị Mỹ Anh (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, chị biết đến Phiên chợ qua sự giới thiệu của người thân nên đã tham gia mua sắm trong Phiên chợ Xanh Tử tế cuối tháng 9 vừa qua. Cũng là loại thực phẩm chị vẫn mua hằng ngày, nhưng sản phẩm tại phiên chợ khá tươi ngon và được đóng gói cẩn thận như táo, cam được gói trong túi giấy, rau gói bằng lá chuối thay thế cho bao bì ni lông... Không chỉ vậy, khi tham gia phiên chợ, các con của chị còn đem sách truyện cũ để đổi lấy sen đá về trồng và chăm sóc rất cẩn thận.

Người dân tham quan gian hàng rau an toàn tại Phiên chợ Xanh Tử tế.
Người dân tham quan gian hàng rau an toàn tại Phiên chợ Xanh Tử tế.

Ngoài bày bán, trao đổi các sản phẩm hàng hóa, phiên chợ còn có các lớp học cộng đồng dành cho các bạn nhỏ như: lớp học làm hoa giấy, lớp học tò he hiện đại, lớp học làm xà phòng thiên nhiên, lớp học cờ vua, handmade sản phẩm từ gỗ tái chế…

Anh Phạm Thanh Tuấn, Đại diện Ban Quản lý Đường Sách Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, sau hai phiên chợ được tổ chức thành công đã huy động được 2.800 đầu sách các loại và 11 triệu đồng. Ban Quản lý đã phối hợp với các nhà tài trợ tặng 200 đầu sách truyện thiếu nhi cho buôn Kiều, xã Yang Mao (huyện Krông Bông); 600 đầu sách cho buôn Tơ Zoa, xã Cư Amung (huyện Ea H’leo); 400 đầu sách kỹ năng, truyện cho buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). Ngày 20-10 thư viện đầu tiên đã được trao tặng cho điểm Trường tiểu học Lê Đình Chinh, buôn Tơ Zoa, xã Cư Amung (huyện Ea H’leo) với 1.600 đầu sách các loại kèm với kệ sách, đồ chơi, quạt…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.