Multimedia Đọc Báo in

Gỡ vướng trong xử lý doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, BHYT

09:41, 21/10/2019

Từ 1-9, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, ngày 15-8-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chính thức có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ vướng mắc trong xử lý doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, BHYT.

Nợ BHXH, BHYT vẫn tiếp diễn

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, thời gian qua, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng kể với số người tham gia BHXH, BHYT hằng năm tăng, quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động được mở rộng và đảm bảo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn tiếp diễn và gia tăng xu hướng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 8-2019, các doanh nghiệp trong tỉnh nợ BHXH, BHYT lên tới trên 91 tỷ đồng. Đáng lo ngại, ngoài số nợ phải tính lãi nói trên, toàn tỉnh có 1 doanh nghiệp bỏ trốn và khoảng 305 doanh nghiệp mất tích với số nợ BHXH, BHYT gần 30 tỷ đồng khiến việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ và đại lý của BHXH thị xã Buôn Hồ khai thác, phát triển BHXH, BHYT tự nguyện.
Cán bộ và đại lý của BHXH thị xã Buôn Hồ khai thác, phát triển BHXH, BHYT tự nguyện.

Để giảm thiểu số nợ và bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu về cho BHXH các địa phương theo dõi, phân loại, xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị, doanh nghiệp cụ thể để có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp; thực hiện thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; công khai danh sách các doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên kết hợp với các ngành liên quan trực tiếp đến tuyên truyền, vận động những đơn vị, doanh nghiệp không khắc phục số tiền nợ BHXH, BHYT. Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác, thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: “Từ các biện pháp này, số nợ BHXH, BHYT trong thời gian gần đây đã có chiều hướng giảm. Song, để tạo được hiệu quả cao trong công tác thu hồi nợ cần áp dụng biện pháp mạnh như khởi kiện, xử lý hình sự một số đơn vị nợ nhiều và cố tình chây ì để tạo sức răn đe”.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, ngoài cơ quan BHXH, tổ chức Công đoàn, bất kỳ ai phát hiện hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng có quyền gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để xem xét khởi tố.

Theo BHXH Việt Nam, các hành vi nợ đọng, trốn đóng và gian lận BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 7-2019, cả nước có trên 55.000 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền lên tới trên 6.000 tỷ đồng, tác động tới hàng trăm nghìn lao động. Cơ quan BHXH đã chuyển sang cơ quan điều tra nhiều hồ sơ để tiến hành khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng chưa thực hiện được do những vướng mắc nhất định. Còn tại Đắk Lắk, từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh đã giao 30 bộ hồ sơ sang Liên đoàn Lao động tỉnh để khởi kiện các doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, BHYT gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, nhưng đến hiện tại vẫn không thể khởi kiện do chưa có hướng dẫn từ Tòa án cấp cao.

Tháo gỡ khó khăn

Trước đây, việc thực hiện các thủ tục ủy quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN hết sức rườm rà. Công đoàn cơ sở cần phải có ủy quyền của người lao động tại doanh nghiệp mới có thể khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN và đây chỉ là cơ chế ủy quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, những hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đã được xem là tội phạm hình sự khi Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 3 tội danh: tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216). Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216. Nghị quyết này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2019 và tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, giải thích một số tình tiết định khung hình phạt, một số trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành vi trốn đóng trước ngày 1-1-2018, xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH, tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành.

Sau khi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP được ban hành, các quy định của Bộ luật Hình sự về 3 tội danh nói trên sẽ được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, qua đó sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Như vậy, trong thời gian tới, căn cứ vào danh sách  đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động do cơ quan Thuế cung cấp, cơ quan BHXH sẽ tiến hành rà soát, điều tra, khai thác; đối với những đơn vị cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đồng thời lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.