Hỗ trợ phụ nữ vùng sâu khởi nghiệp
Sau gần 3 năm thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Ðề án 939), hội phụ nữ một số xã vùng 3 ở cánh đông huyện Krông Bông đã có những cách làm hay, mô hình mới nhằm giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.
Bà Mai Thị Hiền Chín, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Drăm cho biết, xã Cư Drăm hiện có 1.059 hội viên phụ nữ, trong đó có 803 hội viên là người dân tộc thiểu số, có 39 hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ… Hội LHPN xã đã triển khai các hoạt động của Đề án 939 về khởi nghiệp đến các chi hội trong xã và được đông đảo hội viên hưởng ứng. Hội đã tuyên truyền, vận động 12 triệu đồng để hỗ trợ cho 4 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đầu tư chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ, phát triển nghề truyền thống nhằm phát triển kinh tế gia đình…
Chị Trần Thị Hà ở thôn 2 (xã Cư Drăm) phát triển nghề làm đậu khuôn từ vốn khởi nghiệp của phụ nữ. |
Đơn cử như chị Trần Thị Hà (ở thôn 2) chồng mất sớm, không có đất đai không có, chị phải đi làm thuê để nuôi ba đứa con. Trước hoàn cảnh của chị, Hội LHPN xã Cư Drăm đã hỗ trợ 3 triệu đồng để chị khôi phục nghề làm đậu khuôn truyền thống của gia đình. Với số vốn này, chị Hà đã mua sắm nguyên, vật liệu cần thiết và bắt tay vào sản xuất. Đậu phụ chị làm ra vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn nên được bà con trong thôn tin dùng, hàng làm ra đều tiêu thụ hết trong ngày. Nhờ nghề làm đậu khuôn, chị Hà có thu nhập ổn định bình quân 4 triệu đồng/tháng, đến cuối năm 2018 gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Chị Ngụy Thị Đào (thôn 2, Hòa Phong) trong vườn vải thiều đã cho thu bói. |
Xã Hòa Phong hiện có 1.050 hội viên phụ nữ, trong đó có 165 phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Để hỗ trợ chị em khởi nghiệp, Hội LHPN xã đã vận động được 21 triệu đồng cho 5 phụ nữ vay phát triển sản xuất, buôn bán nhỏ, làm nghề truyền thống… Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay Hội còn vận động duy trì 26 chị có kinh tế khá giúp 15 chị có hoàn cảnh khó khăn nuôi 24 con trâu, bò giống và mua phân bón, giống cây trồng...
Điển hình như trường hợp của gia đình chị Ngụy Thị Đào (thôn 2), hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng 100 cây vải thiều và 100 cây xoài Đài Loan nhưng thiếu vốn chăm sóc vườn cây. Hội LHPN huyện đã hỗ trợ chị Đào 5 triệu đồng để chị mua phân bón. Đến nay vườn xoài của gia đình chị đã cho thu hoạch, vụ thu hoạch năm 2018 gia đình chị thu được 3 tấn quả, với giá bán tại vườn 10.000 đồng kg, gia đình chị có thu nhập 30 triệu đồng; vườn vải thiều cũng đã bắt đầu cho thu bói...
Xã Cư Pui có 1.125 hộ nghèo, 646 hộ cận nghèo; trong đó có 132 hộ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, chiếm tỷ lệ gần 12%. Toàn xã có 2.239 hội viên phụ nữ, trong đó hội viên người dân tộc thiểu số có 1.910 chị. Trong 3 năm qua, Hội LHPN xã Cư Pui đã vận động 21 triệu đồng vốn khởi nghiệp; hỗ trợ 2 triệu đồng cho chị Lộc Thị Ơn (dân tộc Mường, ở thôn Dhung Knung) mua phân bón chăm sóc vườn quýt diện tích 8.000 m2, là mô hình “Mỗi địa phương một sản phẩm” mà Hội LHPN xã chọn để phát động nhân ra diện rộng. Xã Cư Pui còn xây dựng được 11 tổ tiết kiệm vay vốn, với số tiền 377 triệu đồng, giúp cho 214 lượt chị vay phát triển kinh tế, trong đó nhiều phụ nữ khởi nghiệp từ nguồn vốn này trở nên khá giả...
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc