Multimedia Đọc Báo in

"Điểm nóng" về tảo hôn và sinh đông con

09:22, 22/10/2019

Nhiều năm nay, dù chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình song tình trạng tảo hôn, sinh đông con ở thôn Ea Sanh, xã Cư San (huyện M'Đrắk) vẫn tiếp diễn với nhiều hệ lụy đáng buồn.

Lâu nay, thôn Ea Sanh vẫn là một trong những “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn và sinh đông con ở địa phương. Toàn thôn có 73 hộ song có đến 449 khẩu, 100% đồng bào người dân tộc Hmông di cư từ phía Bắc vào sinh sống. Trong số 78 phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng thì có đến 60% số chị sinh con thứ ba trở lên (trong đó có 18 chị sinh 5 con trở lên). Tính riêng năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, trong thôn đã có 5 trường hợp tảo hôn và 6 trường hợp sinh con thứ ba trở lên. Nguyên nhân chính là do nhiều đôi trẻ yêu nhau, lỡ có thai; dù hai gia đình không đồng ý nhưng các em vẫn về ở với nhau; một số thì bố mẹ bắt cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn. Bên cạnh đó phần lớn người dân còn quan niệm “con cái là trời cho” nên họ cứ sinh con theo quy luật tự nhiên.

Mẹ con chị Thào Thị Dợ.
Mẹ con chị Thào Thị Dợ.

Trước thực tế trên, hằng năm Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Cư San đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã, ban tự quản thôn Ea Sanh thường xuyên lồng ghép truyền thông về dân số; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống… Tuy nhiên, hiệu quả đạt được rất thấp. Trong số 78 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chỉ có 25% chị em sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn.

Chuyện tảo hôn, sinh đông con đã tác động không nhỏ đến công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Hiện nay, toàn thôn Ea Sanh vẫn còn 40 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 54,7%, chủ yếu tập trung ở những gia đình kết hôn sớm, sinh đông con; hơn 23,3% trẻ em bị suy dinh dưỡng, số học sinh học hết bậc THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như trường hợp chị Thào Thị Dợ bỏ học lấy chồng khi chưa tròn 15 tuổi. Từ lúc lấy nhau, vợ chồng chị Dợ luôn sống trong cảnh nghèo đói, con cái nheo nhóc, suy dinh dưỡng. Năm nay ở tuổi 24, chị Dợ có 4 đứa con, đứa bé nhất chỉ mới hơn 1 tuổi. Ăn uống bữa no, bữa đói nên những đứa con của chị Dợ luôn xanh xao, gầy ốm, chuyện học hành cũng không được quan tâm. Bất hạnh hơn, năm 2017, khi phát hiện con gái thứ hai trong nhà mắc bệnh u bào ác tính, anh chị đành bán hết những thứ có giá trị trong nhà để cứu chữa cho con khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Cứ như vậy không biết đến bao giờ gia đình chị Thào Thị Dợ mới thoát được cái vòng luẩn quẩn: đông con, nghèo đói và thất học.

 Trẻ em  thôn Ea Sanh, xã Cư San thường phải bỏ học  rất sớm  để chăm em cho bố mẹ  đi làm.
Trẻ em thôn Ea Sanh, xã Cư San thường phải bỏ học rất sớm để chăm em cho bố mẹ đi làm.

Dù được bố mẹ lo cho ăn học, nhưng chưa học hết cấp 2, anh Hầu Seo Xóa đã bỏ học để lấy vợ. Anh biện hộ rằng tập quán người Hmông là lấy vợ, lấy chồng sớm nên sợ yêu nhau lâu mà không lấy thì người yêu đi lấy người khác mất(!). Hiện tại vợ chồng anh Hầu Seo Xóa được xem là hộ "giàu con" nhất thôn Ea Sanh với 4 con trai, 3 con gái. Dù không phải chạy ăn từng bữa, nhưng vì thiếu kiến thức nuôi con, những đứa con của vợ chồng anh Hầu Seo Xóa cũng nheo nhóc, thất học, thường xuyên đau ốm.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.