Những "cha nuôi" mang quân hàm xanh
Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” dù mới triển khai trên địa bàn các xã biên giới của tỉnh, nhưng bước đầu đã lan tỏa yêu thương, mang đến niềm tin yêu cuộc sống cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh ngặt nghèo.
Cháu Phạm Vũ Đình Hiếu (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Ea Bung, huyện Ea Súp) và anh trai Tiến Đạt (bị bệnh tim bẩm sinh, học lớp 9, Trường THCS Ea Bung) mồ côi cha mẹ từ rất nhỏ. Hai anh em sống cùng bà ngoại trong một căn nhà cũ ở thôn 4, xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Tháng 7 vừa qua, bà đột ngột qua đời vì bệnh nặng khiến cuộc sống của hai đứa trẻ bỗng như rơi xuống vực thẳm. Cảnh hai cậu bé ốm yếu, còi cọc hơn nhiều so với lứa tuổi tự chăm sóc nhau khiến ai cũng cảm thấy nhói lòng.
Biết hoàn cảnh của anh em Hiếu, từ nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đều trích “Hũ gạo vì người nghèo”, hỗ trợ gia đình 15 kg gạo/tháng; nhận đỡ đầu cháu Đạt theo chương trình “Nâng bước em đến trường” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Mới đây, ngay khi có chủ trương thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, đơn vị tiếp tục nhận nuôi cháu Hiếu.Từ khi được những người "cha nuôi" ân cần, yêu thương, cuộc sống của Hiếu dần bước sang một trang mới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê chuyện trò, động viên anh em Phạm Vũ Đình Hiếu. |
Là người trực tiếp chăm lo cho cháu Hiếu, Trung tá Nguyễn Sỹ Tân và Thượng úy Trần Thông (Đội Vận động quần chúng) coi cháu như con ruột của mình. Các anh ân cần, lo lắng tận tình cho Hiếu từ bữa ăn, giấc ngủ. Thượng úy Trần Thông cho hay, dù đã quen mặt hầu hết anh em trong Đội công tác địa bàn, nhưng Hiếu vẫn còn khá dè dặt. Những lúc như thế, người chiến sĩ quân hàm xanh lại càng cố gắng nhẹ nhàng tâm tình với con, hy vọng trong môi trường sống mới, con sẽ được học hành đầy đủ, không phải mưu sinh sớm, lo bữa đói bữa no…
Đại tá Phạm Hữu Chiến khẳng định: “Thời gian tới, đơn vị sẽ rà soát, khảo sát địa bàn biên giới để tiếp tục nhận nuôi dưỡng các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hy vọng rằng, sự chung tay của Bộ đội Biên phòng sẽ giúp các cháu có thêm động lực vươn lên mọi nghịch cảnh cuộc sống”. |
Ngoài Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê, bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, Đồn Biên phòng Sêrêpốk nhận nuôi cháu Y Phú Mlô (dân tộc Êđê, 6 tuổi) đang ở với gia đình ông ngoại do mẹ mất sớm, bố bỏ đi nơi khác sinh sống. Đồn Biên phòng Ia R’vê nhận nuôi cháu Đinh Tiến Lợi (9 tuổi), bố mất sớm, nhà đông anh chị em trong khi mẹ không có việc làm ổn định, hay đau yếu. Đồn Biên phòng Ea H’leo nhận nuôi cháu Hà Duy Long (11 tuổi), mẹ mất sớm, bố đi làm ăn xa ít về, cháu ở với gia đình ông bà nội…
Đón nhận những đứa con thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần về chăm sóc, những “cha nuôi” mang quân hàm xanh càng dành nhiều yêu thương cho các con hơn. Các anh luôn cố gắng tạo sự gần gũi, phấn khởi để truyền năng lượng tích cực, giúp các con của mình sớm vững vàng, tự lập trước cuộc sống phía trước.
"Cha nuôi" mang quân hàm xanh tặng các đồ dùng và hướng dẫn cháu Phạm Vũ Đình Hiếu cách sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. |
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhằm giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã biên giới. Trước mắt, trong năm 2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao các đồn nhận nuôi 4 cháu, bắt đầu từ tháng 9 đến khi học hết lớp 9. Sau đó, nếu các cháu vẫn tiếp tục học tập, đơn vị sẽ đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Toàn bộ kinh phí nuôi dưỡng các cháu do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng góp. Để lựa chọn đúng người, đúng đối tượng, trước đó, các đơn vị đã phối hợp chính quyền, địa phương khảo sát thực tế, nắm chắc hoàn cảnh các cháu sẽ nhận nuôi, đồng thời gặp gỡ, thống nhất với người thân, gia đình các cháu.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc