Trả lại tên cho các Anh
Thế nhưng, không bao lâu nữa, 29 phần mộ ở đây sẽ được gắn bia xác định danh tính với đầy đủ thông tin như: họ, tên liệt sỹ, sinh năm, nguyên quán, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, ngày hy sinh.
“Sau hơn 20 năm lặn lội đến nhiều nghĩa trang liệt sỹ trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm thông tin và hơn 5 năm hoàn chỉnh hồ sơ gửi các ngành chức năng, đến nay đã xác định được danh tính một số hài cốt liệt sỹ thuộc Trung đoàn 25 hy sinh tại Đèo Hà Lan năm 1973” - ông Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 25 - Tây Nguyên không giấu được xúc động khi thắp nén nhang trên các phần mộ của đồng đội ở lô E.
Ông Sương trò chuyện, qua nắm bắt thông tin và từ những cơ sở khoa học thu thập được, ông tin chắc trong số các phần mộ chưa rõ thông tin đang an táng tại lô E này có đồng đội thuộc Trung đoàn 25 - Tây Nguyên, tuy nhiên việc xác định được danh tính chính xác không hề dễ. Trước đó, nhiều thân nhân liệt sỹ Trung đoàn 25 đã nhờ nhà ngoại cảm xác định danh tính nhưng độ chính xác không cao. “Chưa tìm lại được tên cho đồng đội, tôi thấy mình còn mắc nợ liệt sỹ và nợ với cả thân nhân của những đồng đội đã hy sinh dù chưa một lần gặp mặt” – ông Sương trải lòng.
Ông Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 25 - Tây Nguyên đang đối chiếu kết quả danh tính hài cốt liệt sỹ tại lô E - Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh. |
14 năm chăm sóc các phần mộ liệt sỹ ở đây, tôi chứng kiến nhiều gia đình đã đưa các nhà ngoại cảm, ông đồng, bà cốt đến lô E để tìm phần mộ của người thân nhưng đều không chính xác. Vì vậy, ở lô E có nhiều phần mộ có 2 - 3 gia đình nhận là con em của mình”.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, nhân viên Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk
|
Trước nguyện vọng thiết tha của thân nhân liệt sỹ, giữa tháng 1-2018 Viện Pháp y Quân đội (Cục Quân y) phối hợp với Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), Cục Người có công (Bộ LĐ – TBXH), Sở LĐ-TBXH Đắk Lắk, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 25 và một số đơn vị liên quan đã tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu thông tin về liệt sỹ.
Theo đó, Viện Pháp y Quân đội cử cán bộ vào lấy mẫu sinh phẩm của 104 hài cốt liệt sỹ ở lô E - Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk và Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cư M’gar; đồng thời lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sỹ để phân tích ADN.
Sau hơn một năm làm việc cật lực, Viện Pháp y Quân đội và các đơn vị chức năng đã xác định được danh tính 34 liệt sỹ (gồm 29 mộ tại lô E - Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh và 5 mộ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cư M’gar) đều là bộ đội Trung đoàn 25.
Kết quả này là niềm vui lớn đối với thân nhân 34 liệt sỹ thuộc Trung đoàn 25; đồng thời là niềm hy vọng của thân nhân nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin. “Tôi chỉ hy vọng khoảng 10% trong số mẫu hài cốt được lấy mẫu để giám định ADN là đồng đội của mình. Không ngờ kết quả quá mỹ mãn”- ông Sương vui mừng thốt lên.
Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ - TBXH) cho biết, hành trình xác định danh tính cho các liệt sỹ không hề dễ dàng. Để tìm được thông tin liệt sỹ đòi hỏi phải xác định chính xác nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu, hiện đang quy tập an táng ở nghĩa trang liệt sỹ nào để lấy mẫu sinh phẩm; lấy được mẫu sinh phẩm rồi, phải tìm kiếm thông tin thân nhân liệt sỹ, phối hợp với ngành chức năng nơi thân nhân liệt sỹ đang sinh sống mời người cùng huyết thống với liệt sỹ đến Viện Pháp y Quân đội lấy mẫu ADN để giám định. Khi giám định xong phải trả mẫu sinh phẩm về lại nơi an táng liệt sỹ. Đối với các mẫu sinh phẩm không xác định được danh tính phải đưa vào ngân hàng gen để phục vụ cho việc xác định danh tính liệt sỹ sau này.
Ông Nguyễn Ngọc Sương, Ủy viên Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 25 - Tây Nguyên thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại lô E - Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh. |
Sớm trả lại tên cho liệt sỹ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”. “Bước tiếp theo sau khi xác định được danh tính liệt sỹ, Sở LĐ - TBXH sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức lễ gắn bia – trả lại tên cho liệt sỹ vừa xác định theo đúng quy định”- ông Lê Hải Lý chia sẻ.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc