Multimedia Đọc Báo in

"Của để dành" cho người lao động tự do

09:59, 28/11/2019

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh là phát triển BHXH tự nguyện nhằm giúp người lao động tự do giảm bớt khó khăn, rủi ro và có thu nhập ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động.

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định, được trợ cấp một lần và tử tuất; đồng thời được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi nghỉ hưu và được hưởng tất cả các quyền lợi khám chữa bệnh như người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Đại lý thu BHXH, BHYT của BHXH huyện M'Đrắk tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích  khi tham gia BHXH tự nguyện.
Đại lý thu BHXH, BHYT của BHXH huyện M'Đrắk tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

Nhiều năm nay, để phát triển nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngoài hình thức tuyên truyền trực quan qua pano, áp phích, tờ rơi, website BHXH tỉnh, truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử của địa phương, BHXH tỉnh còn chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp, cử cán bộ, đại lý thu BHXH, BHYT đến từng thôn buôn, “gõ cửa” từng nhà để truyền thông, làm cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa, lợi ích của BHXH tự nguyện mang lại. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với Bưu điện tỉnh trong phát triển mới đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ một cách chuyên sâu cho cán bộ làm công tác thu BHXH tự nguyện và nâng cao chất lượng các đại lý đặt tại cơ sở để mỗi đại lý trở thành “cánh tay nối dài” của ngành BHXH truyền tải những thông tin cụ thể, giúp người dân cập nhật thông tin đa chiều, hiểu rõ hơn chính sách BHXH tự nguyện. Nhờ đó nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện của người dân đã dần thay đổi.

Thực tế ghi nhận tại huyện Cư M’gar cho thấy, nếu như trước đây, người dân có suy nghĩ thu nhập thấp, không ổn định  mới tham gia BHXH, thì nay cách suy nghĩ ấy hoàn toàn thay đổi. Bà Trần Thị Thu, ở tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk làm kinh doanh, có mức thu nhập nhiều người mơ ước, nhưng vẫn chọn tham gia BHXH tự nguyện cho 4 thành viên trong gia đình. Bà Thu chia sẻ: “Sau khi nghe nhân viên bưu điện giới thiệu về chính sách BHXH tự nguyện, tôi bắt đầu tìm hiểu về chính sách này và thấy rằng, việc tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích và an toàn hơn gửi tiết kiệm. Hơn nữa thủ tục tham gia cũng khá đơn giản, nhanh chóng, cách thức đóng tiền cũng rất thuận tiện, mức tham gia và thời gian đóng tùy vào điều kiện và thu nhập của từng người. Vì thế tôi đã chọn tham gia cho cả gia đình, hai vợ chồng tham gia ở mức gần 500.000 đồng/người/tháng, còn 2 đứa con tôi tham gia với mức 314.600 đồng/người/tháng”.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 10-2019, toàn tỉnh đã có 6.391 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 96,26% kế hoạch được giao. Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Kể từ khi chính sách BHXH tự nguyện ra đời (năm 2008) đến hết năm 2017, toàn tỉnh chỉ có chưa đầy 2.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay đã tăng thêm khoảng 4.500 người. Đây là một con số khá ấn tượng, tuy nhiên, so với lực lượng lao động tự do hiện có trên địa bàn tỉnh thì vẫn còn khá khiêm tốn”.

Để ngày càng nhiều người dân lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện. Đặc biệt là việc mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, buôn, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu; thực hiện đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Từ năm 2018, người dân đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần trên mức đóng BHXH hằng tháng. Cụ thể hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.