Điểm trường vùng sâu gặp khó vì sân chơi và nhà vệ sinh
Sân trường trũng nước, nhà vệ sinh không thể sử dụng, các giáo viên và học sinh 3 cấp học tại điểm trường buôn Chăm (xã Ea Sol, huyện Ea H'leo) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Sau nhiều năm tổ chức học ghép lớp và phải mượn cả nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn để có đủ phòng học cho cả 3 cấp Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm non, năm 2018, điểm trường buôn Chăm được đầu tư thêm một dãy nhà 2 tầng khang trang dành cho khối Tiểu học. Dãy phòng học cũ gồm 5 phòng được giao cho khối THCS và 1 phòng học dành cho các cháu mầm non.
Khi hoàn thiện công trình trường tiểu học, đơn vị thi công có xây dựng thêm phần sân xi măng trước các dãy nhà cùng đường bê tông nội bộ, giúp học sinh và giáo viên đi lại thuận tiện hơn. Đây là phần nằm ngoài thiết kế được phê duyệt nên đơn vị thi công không tính đến các yếu tố địa hình trong và ngoài sân trường. Vì vậy, mùa mưa năm 2019, sân xi măng và đường bê tông cao hơn hẳn phần sân đất ở giữa đã chặn lối thoát nước mưa, thường xuyên gây ngập trũng trong sân trường. Ngoài ra, sân xi măng trước phòng học của các cháu mầm non bị thấp hơn hẳn phần sân bên ngoài. Nước bẩn cùng bùn đất đọng lại, phải mất từ 5 – 7 ngày nắng to, nước mới bốc hơi hết. Chỉ cần một cơn mưa to, nước từ phía nhà ở và vườn cây của các hộ dân phía trên lại kéo theo bùn đất tràn xuống sân trường.
Phần sân phía trước dãy phòng học của khối THCS và Mầm non tại điểm trường buôn Chăm thường xuyên ngập nước, bùn đất. |
Điều kiện sân chơi không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn đến giờ tập thể dục buổi sáng và hoạt động ngoài trời của các cháu mầm non. Bên cạnh đó, do điểm trường không tổ chức bán trú nên các em thường tự lang thang, chơi đùa trong sân trường vào buổi trưa. Nhiều em trượt ngã, nhiều em lấy cả bùn đất đọng lại trên sân để đùa nghịch.
Ngoài việc không có sân chơi đảm bảo, nhà vệ sinh tại điểm trường buôn Chăm cũng không sử dụng được từ lâu. Học sinh thường tiểu tiện bừa bãi ngay trong khuôn viên trường còn giáo viên thì phải chạy xe máy... vào rừng. Năm 2017, một đoàn từ thiện đã tặng điểm trường buôn Chăm công trình nhà vệ sinh trị giá 30 triệu đồng với 4 phòng vệ sinh và hầm rút nằm ở phía sau khu phòng học mầm non hiện nay. Tuy nhiên, đến mùa mưa năm 2018, mưa lớn làm sạt lở cát, vùi lấp hầm rút nên nhà vệ sinh không thể sử dụng được nữa. Cũng trong thời gian này, máy bơm của công trình nước sạch do Nhà nước đầu tư cũng không hoạt động, dẫn đến toàn bộ hệ thống giếng khoan, bồn chứa 5.000 lít cùng nhà vệ sinh bỏ hoang cho đến nay.
Điểm trường buôn Chăm hiện có gần 200 học sinh của các trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiểu học N’Trang Gưh, Mầm non Hoa Sen. |
Trong khi đó, công trình dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học dành cho khối tiểu học mới đưa vào sử dụng cuối năm 2018 cũng không có nhà vệ sinh. Cô Nay H’Hiên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học N’Trang Gưh cho biết, nhà trường đã nhiều lần đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh cho khối tiểu học tại điểm trường buôn Chăm, không chỉ phục vụ giáo viên, học sinh của nhà trường mà còn giải quyết tạm thời nhu cầu về nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh khối THCS và Mầm non. Tuy nhiên, đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức về việc này.
Công trình nước sạch cùng nhà vệ sinh tại điểm trường Buôn Chăm không thể sử dụng hơn 1 năm qua. |
Điểm trường buôn Chăm có đặc thù 100% học sinh theo học là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đây lại là điểm trường vùng sâu, dân trí hạn chế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, các thầy, cô giáo phải thường xuyên vận động để học sinh được đến trường đúng độ tuổi, đảm bảo sĩ số lớp học. Cho nên, việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh để nâng cao cơ sở vật chất trường học rất khó thực hiện.
Mong mỏi lớn nhất của giáo viên và học sinh tại điểm trường buôn Chăm là được cấp trên quan tâm, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh đã hư hỏng, đầu tư thêm nhà vệ sinh cho khối Tiểu học, nâng cấp sân trường và xây dựng hệ thống thoát nước bên trong khuôn viên. Qua đó, giúp nhà trường đảm bảo môi trường giảng dạy, giảm bớt khó khăn cho giáo viên vùng sâu cũng như rèn luyện thói quen tốt cho học sinh khi đến lớp.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc