Multimedia Đọc Báo in

Lời ru buồn ở Ea Rbin

09:38, 02/11/2019
Nhiều năm nay, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra “nhức nhối” ở xã vùng sâu Ea Rbin (huyện Lắk) và gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn.
 
Buôn Plao Siêng ở xã Ea Rbin gồm 149 hộ với 650 nhân khẩu (phần lớn là đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào) được chia làm 3 tổ tự quản. Người dân trong buôn Plao Siêng vẫn duy trì nhiều suy nghĩ, quan niệm cổ hủ, lạc hậu: Con gái, con trai đến 18 tuổi mà chưa xây dựng gia đình thì bị coi là già và sợ… không ai ngó tới. Vì vậy, tình trạng tảo hôn trong buôn rất phổ biến. Nhiều em gái trở thành vợ, thành mẹ khi chưa đến tuổi trăng tròn.
 
Chị Đào Thị Kang, cộng tác viên dân số buôn Plao Siêng cho biết: “Trẻ em nơi đây thường bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm rồi lo toan chuyện gia đình, lao động mưu sinh sớm. Nhà nào có kinh tế khá thì sau khi sinh 5 - 6 tháng người mẹ mới đi làm, nhà nào khó khăn thì 3 tháng, thậm chí là sau sinh mới 1 tháng đã phải đi làm. Nhiều bà mẹ phải cõng con đi làm, cho con ăn, ngủ trên nương, trên rẫy...”.
 
Điển hình như trường hợp Sùng Văn Hồng ở buôn Plao Siêng mới 17 tuổi nhưng đã cưới vợ và có con. Hồng mới chỉ học hết lớp 6 thì bỏ học lấy vợ. Gia đình Hồng có 7 chị em nhưng không có ai học đến lớp 7. Mới đây, em gái của Hồng là Sùng Thị Xì sinh năm 2008, học hết lớp 4 cũng đã bỏ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà và chăm em. 
 
Sùng Văn Hồng  lên chức bố ở tuổi 17.
Sùng Văn Hồng lên chức bố ở tuổi 17.
Vợ của Hồng là Linh Thị Phen trước đây cũng chỉ học hết lớp 2 rồi theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Hiện tại, đôi vợ chồng trẻ và đứa con 3 tháng tuổi đang ở cùng với bố mẹ trong căn nhà chật hẹp, được dựng nên bởi những miếng gỗ tạp và lợp tôn. Hằng ngày, Hồng phải đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Những hôm không ai thuê thì ở nhà trông con để vợ đi làm cỏ thuê, bón phân hay gặt lúa... Quanh năm, suốt tháng hai vợ chồng bươn chải kiếm sống nhưng vẫn chưa thể thoát được cảnh khó khăn, có hôm còn không có tiền mua sữa cho con. 
 
Năm học 2018 - 2019, trên địa bàn xã Ea Rbin có 21 học sinh Tiểu học và THCS bỏ học, trong đó có nhiều trẻ em gái. Nếu không có các giải pháp truyền thông, vận động, không xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn..., tình trạng tảo hôn và sinh đông con sẽ còn tiếp diễn.
Linh Thị Phen tâm sự: “Trước đây nhà bố mẹ em nghèo nên em phải bỏ học sớm đi lấy chồng cho đỡ khổ. Nhưng lấy chồng rồi mà vẫn khổ, mới sinh con chưa được 3 tháng cũng phải ra đồng làm thuê cho người ta. Nếu không làm thì không có ăn, không có tiền chăm sóc con”.
Hay như Thào Thị Vừ cũng ở buôn Plao Siêng năm nay mới 14 tuổi nhưng đã có chồng con. Vừ sinh ra trong gia đình nghèo có 4 chị em và không ai học đến lớp 6. Chồng Vừ là Sùng A Hầu năm nay 18 tuổi. Hằng ngày, Hầu phải ra đồng bốc vác, phun thuốc hay làm thuê bất kể việc gì; những hôm không có ai thuê thì lên đồi kiếm củi... Thu nhập chẳng thấm thía gì so với nhu cầu cuộc sống nên kinh tế gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Thào Thị Vừ chỉ biết quanh quẩn ở nhà với đứa con mới sinh. Bỏ học sớm và làm mẹ ở tuổi vị thành niên nên Vừ không có kiến thức gì về chăm con nhỏ. Mọi thao tác cho con ăn, con bú hay thay tã lót cho con... rất vụng về.  
 
Ea Rbin là xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Lắk khoảng 60 km. Xã hiện có 817 hộ với 3.342 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, gồm các dân tộc M'nông, Hmông, Mường, Tày... Dân trí còn thấp, một số người dân không nói được tiếng phổ thông, nhận thức, hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình... còn hạn chế. Người dân vẫn còn duy trì một số phong tục, tập quán lạc hậu về cưới hỏi và sinh đẻ nên tình trạng tảo hôn và sinh đông con thường xuyên xảy ra.
 
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có 13 trường hợp tảo hôn và 30 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở xã Ea Rbin chiếm hơn 53%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm 22,6%...
 
Thảo Nguyên
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.