Phụ nữ buôn Alê A gìn giữ nghề truyền thống
Nằm gần trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, nhưng nhiều năm qua, phụ nữ buôn Alê A, phường Ea Tam vẫn nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống bao đời của ông cha truyền lại.
Mặc dù năm nay đã 75 tuổi, nhưng đều đặn mỗi ngày, bà H’Piăm H’đơk vẫn miệt mài bên khung cửi. Đôi mắt sáng, đôi tay thoăn thoắt dập khung, kéo sợi, tạo đường nét hoa văn cho tấm thổ cẩm, bà H’Piăm chậm rãi kể lại quá trình gắn bó với nghề.
Từ khi còn là một thiếu nữ 12 - 13 tuổi, những lúc rảnh rỗi, bà say sưa ngồi xem mẹ dệt vải. Thời ấy, con gái Êđê muốn "bắt" được chồng thì phải biết dệt chăn, khố, áo, váy làm lễ vật... Năm 20 tuổi, bà H’Piăm lập gia đình, ngày đi làm rẫy, tối lại tranh thủ dệt, làm mãi thành quen tay, quen mắt. Dần dần, bà không chỉ dệt được những hoa văn đơn giản mà cả những hoa văn cổ hay cách điệu bà cũng làm thành thục. Rất nhiều sản phẩm như váy, áo, túi xách đến chăn, khăn trải bàn đã được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của bà.
Dù đã 75 tuổi nhưng ngày ngày bà H’Piăm H’đơk vẫn miệt mài bên khung cửi. |
Theo bà H’Piăm, muốn dệt một cái giỏ xách hết khoảng 5 ngày, một cái áo tầm 20 ngày, bán từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Để hoàn chỉnh một sản phẩm mất nhiều thời gian và công sức là vậy nhưng vì đam mê, vì mong muốn giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình, bao năm qua bà vẫn cần mẫn bên khung cửi và truyền lại nghề cho con gái thứ ba là chị H’Pơ H’đơk (SN 1970). Hai mẹ con bà thường xuyên tham gia các hội thi dệt thổ cẩm trong Ngày hội các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột và giành rất nhiều giải thưởng.
Không chỉ có ý thức lưu truyền nghề dệt thổ cẩm, phụ nữ buôn Alê A còn gìn giữ nghề nấu rượu cần truyền thống của ông cha. Bận rộn với nương rẫy nhưng nhiều năm nay, chị H’Ly H'đơk vẫn tranh thủ nấu rượu cần phục vụ gia đình, dòng họ và những khách hàng có nhu cầu. Mặc dù đã có nhà xây khang trang nhưng vợ chồng chị vẫn dựng một ngôi nhà sàn truyền thống, có bếp lửa của người Êđê. Ngôi nhà này không chỉ là nơi thờ cúng của dòng họ, sinh hoạt, hội họp gia đình mà còn là nơi tiến hành các nghi lễ như: đám hỏi, đám cưới, lễ thổi tai, đặt tên, ăn tết cổ truyền…
Chị H'Ly H'đơk (bên trái) chia sẻ bí quyết nấu rượu cần ngon. |
Theo chị H’Ly, muốn ủ được rượu cần ngon thì phải đặt hết tình cảm, tâm huyết vào từng công đoạn, từ chọn gạo rẫy, nấu cơm, trộn men... Rượu ủ sau khoảng 2 tháng là sử dụng được, càng để lâu rượu càng ngon. Tùy theo nhu cầu của khách, mỗi tháng chị H’Ly làm từ 10 đến 20 ché. Đối với chị, việc duy trì nghề nấu rượu cần không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn là niềm vui vì giữ gìn được nghề truyền thống của đồng bào Êđê.
Buôn Alê A có 365 hộ, trong đó có 179 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, để giúp chị em giữ gìn nghề truyền thống, cấp ủy, ban tự quản và chi hội phụ nữ buôn đã thành lập mô hình nấu rượu cần gồm 15 hộ và mô hình dệt thổ cẩm gồm 13 hộ. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc