Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Blang giữ gìn nghề truyền thống

10:14, 05/11/2019

Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay có không ít nghề truyền thống đang dần bị mai một, lãng quên. Trong hoàn cảnh đó, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) ra đời không chỉ giúp cho hội viên khởi nghiệp mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Êđê.

Dù đã giữa trưa nhưng căn nhà nhỏ của bà H’Bin Niê (51 tuổi, ở buôn Tring 4) vẫn vang tiếng lách cách của khung cửi dệt vải, rộn rã tiếng cười nói của chị em trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần. Có lẽ, với họ đó không chỉ là nghề mang lại thu nhập mà còn là niềm vui được sống với nghề dệt truyền thống.

Cầm trên tay tấm thổ cẩm đang dệt dở, bà H’Bin chia sẻ: Từ năm 8 tuổi bà đã được mẹ chỉ dạy cách kéo khung, luồn chỉ. Khi có gia đình, bà cũng chỉ nghĩ học dệt cho biết, thỉnh thoảng dệt cho chồng con tấm áo. Thế nhưng, sau những lần tham gia lớp dệt thổ cẩm do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thị xã Buôn Hồ tổ chức, bà H’Bin mới thấy yêu thích công việc này và quyết định tham gia Tổ hợp tác. Nhà bà rộng rãi nên một số tổ viên thường đặt khung cửi ở đây để làm chung.

Thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần bên khung dệt thổ cẩm.
Thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần bên khung dệt thổ cẩm.

Tháng này, thông qua Tổ hợp tác, các tổ viên nhận dệt được 4-5 sản phẩm cho khách. Một cái áo, váy, khố thường dệt mất một tuần mới xong, bán được khoảng 1 triệu đồng. Túi xách, khăn choàng thì dệt trong 3 ngày, giá khoảng 250.000 - 400.000  đồng/cái. Ban đầu sản phẩm của Tổ hợp tác chỉ bán cho bà con trong buôn, dần dần có nhiều người ở các nơi khác biết đến, đặt hàng nhiều hơn. Cũng theo bà H’Bin, làm ra sản phẩm thổ cẩm khó nhất là tạo những đường nét hoa văn sao cho tinh tế, sắc sảo. Mỗi loại đồ thổ cẩm có hoa văn khác nhau, như váy phải là con rồng đôi, áo là một con rồng đất. Còn các loại khác như khố, khăn choàng, túi xách có thể là hạt mướp, hạt gạo…

Khác với bà H’Bin, tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm - rượu cần là lần đầu tiên em H’Ruênh Hwing (21 tuổi) ngồi bên khung cửi dệt vải. H’Ruênh tâm sự: “Trong những buổi sinh hoạt của tổ, em được các chị chỉ dạy tận tình cách dệt thổ cẩm sao cho đúng với hoa văn của đồng bào mình. Em được khen học nhanh, sản phẩm đẹp nên càng thêm yêu thích và gắn bó với công việc này”.

Cũng như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần lâu nay đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tồn tại qua bao thế hệ của người Êđê. Đến nhà H’Bưi Mlô (47 tuổi, ở buôn Tring 4), thành viên của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần đúng lúc chị đang cần mẫn ủ cơm rượu vào các ché lớn, ché nhỏ cho khách đã đặt. Chị H’Bưi vui vẻ nói: "Mình đã có 30 năm kinh nghiệm làm rượu cần do mẹ truyền dạy.

Công việc này đối với mình có rất nhiều ý nghĩa, nó không đơn thuần là việc làm kiếm thu nhập mà đó là sự kế thừa bí quyết nấu rượu ngon từ thế hệ trước". Theo chị H’Bưi, làm rượu cần không khó nhưng để có ché rượu ngon đòi hỏi sự tỉ mỉ ở từng công đoạn trong quá trình làm rượu. Chẳng hạn như: loại gạo nấu cơm rượu phải dẻo; cơm phải không quá nguội mới được trộn men; men trộn cũng phải theo tỷ lệ, không nên nhiều quá nếu không rượu sẽ chua hoặc đắng...

Bà H’Bin Niê (bên phải) với sản phẩm thổ cẩm do Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần làm ra.
Bà H’Bin Niê (bên phải) với sản phẩm thổ cẩm do Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần làm ra.

Bà Phùng Hoài Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Blang cho biết, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm – rượu cần được thành lập từ tháng 5-2019 với 14 thành viên. Mục đích không chỉ góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa của người Êđê mà còn tạo công ăn việc làm cho các chị em. Đến thời điểm này, tổ duy trì rất tốt các buổi sinh hoạt và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Khó khăn hiện nay là việc tìm đầu ra cho các sản phẩm. Hội cũng đang nỗ lực làm công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo để nhiều người biết đến hơn.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.