Ấm lòng nạn nhân chất độc da cam
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những di chứng do chất độc da cam (CĐDC)/dioxin vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thế hệ. Để góp phần xoa dịu nỗi đau ấy, những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Krông Búk đã chung tay cùng cộng đồng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho các hội viên.
Trong căn nhà Tình nghĩa mới xây rộng gần 30 m2, bà Nguyễn Thị Chính (SN 1956, trú thôn 10, xã Pơng Drang) không giấu được niềm xúc động: “Thật may mắn khi gia đình tôi được xã hội quan tâm giúp đỡ để có căn nhà mới khang trang, biến ước mơ bao lâu nay trở thành hiện thực. Giờ đây có chỗ an cư, tôi sẽ cố gắng chăm lo lao động sản xuất để cuộc sống đủ đầy…”.
Bà Chính là nạn nhân nhiễm CĐDC trong thời gian tham gia du kích tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 1968 - 1975). Định cư ở Đắk Lắk từ năm 1990, hoàn cảnh bà thuộc diện đặc biệt khó khăn, kinh tế chỉ trông chờ vào 1 sào cà phê già cỗi. Bà không có chồng con, nhà cửa, nên phải ở nhờ nhà một người thân. Trước hoàn cảnh đó, năm 2018, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Krông Búk đã kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ được 58 triệu đồng để xây dựng căn nhà Tình nghĩa tặng bà Chính.
Bà Nguyễn Thị Chính bên căn nhà Tình nghĩa mới xây. |
Ông Trần Xuân Minh (SN 1948, ở thôn Nam Tân, xã Chư Kbô) từng tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam. Chiến tranh đi qua, ông lập gia đình và lần lượt sinh được 5 người con. Không may, người con trai thứ 5 (SN 1991) lại bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh do di chứng CĐDC để lại.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất, nên đầu năm 2019, gia đình ông Minh được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Krông Búk hỗ trợ 15 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản. Hiện bò mẹ đã sinh một bê con 2 tháng tuổi. Trước đó, năm 2011, ông cũng được Huyện Hội kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ 37 triệu đồng để làm căn nhà cấp 4 rộng 70 m2; năm 2014, Hội trích quỹ 4 triệu đồng làm sổ tiết kiệm để tặng người con trai bị nhiễm CĐDC của ông.
Ông Minh tâm sự: “Cuộc sống tuy vất vả nhưng gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhất là Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện nên cảm thấy ấm lòng. Với sự hỗ trợ quý báu đó, gia đình tôi sẽ cố gắng sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.
Ông Trần Xuân Minh chăm sóc con bò do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Krông Búk hỗ trợ. |
Ông Ngô Hồng Phái, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Krông Búk cho biết, toàn huyện có 242 hội viên là nạn nhân CĐDC. Nhìn chung, đời sống của các nạn nhân CĐDC thấp hơn mức trung bình của địa phương, nhất là những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ vươn lên, ổn định cuộc sống, Hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Riêng năm 2019, Hội vận động các cán bộ, công chức, viên chức trong huyện đóng góp xây dựng quỹ trên 100 triệu đồng (tổng số tiền quỹ hiện có trên 300 triệu động) để triển khai các hoạt động trao quà, tặng sổ tiết kiệm, xe lăn, sửa chữa nhà... cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, hằng năm, Hội cân đối nguồn quỹ để hỗ trợ từ 3-4 hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vay vốn (bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/hộ) để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các mạnh thường quân trong huyện hỗ trợ học bổng, khám, chữa bệnh, nuôi dưỡng thường xuyên... các đối tượng nạn nhân CĐDC.
Năm 2019, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Krông Búk đã vận động các mạnh thường quân trên địa bàn ủng hộ 50 triệu đồng xây một nhà Tình nghĩa; quyên góp 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản và 32 triệu đồng làm sổ tiết kiệm (mỗi sổ 4 triệu đồng) để tặng các hội viên nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc