Cây cầu gắn kết tình dân nơi biên giới
Xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) và Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là hai xã biên giới giáp nước bạn Campuchia.
Người dân ở hai xã này hầu hết di cư từ tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre đến lập nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Con đường từ làng Ring - làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Mơr - đến trung tâm xã trên 20 km, lại khó đi nên người dân thường đưa con em sang xã Ia Lốp để học tập.
Trong khi đó, khoảng cách từ làng này đến các trường học ở xã Ia Lốp chỉ khoảng 7 km, nhưng lại phải vượt qua sông Ia Lốp. Mỗi lần người dân xã Ia Mơr đưa con đi học rất vất vả, thậm chí còn nơm nớp lo sợ. Mùa nắng, nước sông cạn, người dân khiêng xe máy rồi lội qua, còn mùa mưa nước lớn thì phải đu dây hoặc đóng xuồng qua (mỗi lần chỉ một hoặc hai người).
Người dân đi lại thuận lợi trên cây cầu Ya Lốp. |
Năm 2010, niềm vui đã đến với người dân hai xã Ia Lốp và Ia Mơr khi Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động cầu bê tông Ya Lốp dài 175 m, rộng 7,5 m. Cũng trong năm này, tuyến đường nối hai xã cũng được cứng hóa giúp người dân đi lại, buôn bán thuận lợi, việc đi học của khoảng 20 - 30 học sinh (mỗi năm) ở làng Ring sang các trường tại xã Ia Lốp không vất vả, hiểm nguy như trước nữa.
Đường sá thuận lợi, nhiều người dân ở xã Ia Lốp đã có việc làm ổn định tại các công ty cao su, trồng lúa nước… ở xã Ia Mơr. Trước khi chưa có cây cầu Ya Lốp, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ia Lốp khoảng 87%, thu nhập bình quân của đầu người chỉ đạt 6 - 8 triệu đồng/năm. Từ khi cầu hoàn thành, tuyến đường được cứng hóa, việc đi lại dễ dàng hơn đã góp phần tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo tại xã Ia Lốp giảm xuống còn 61%, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 11 triệu đồng/năm. So với những địa phương khác, kết quả này còn khá khiêm tốn, nhưng với người dân ở đây, cuộc sống đã thực sự đổi thay.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Nguyễn Công Danh
|
Đặc biệt, cây cầu Ya Lốp đã gắn kết nhiều thanh niên của hai xã nên duyên vợ chồng. Chị Lương Thị Vinh (SN 1995, thôn Đóng, xã Ia Lốp) là công nhân một công ty cao su ở xã Ia Mơr. Ở công ty chị Vinh quen anh Đoàn Văn Toàn (làng Ring).
Trước đây, mỗi lần sang nhà bạn gái, anh Toàn phải vượt quãng đường hơn 7 km, vượt qua sông Ia Lốp với những nỗi sợ khó nói nên lời. Anh Toàn khẳng định chắc nịch: “Nếu không có cây cầu này, chắc tôi chưa có được vợ!”. Vợ chồng anh Toàn không phải là trường hợp cá biệt, từ khi cây cầu Ya Lốp hoàn thành, riêng thôn Đóng đã có bốn cặp kết hôn với nam, nữ của xã Ia Mơr.
Cuộc sống của người dân vùng biên Ia Lốp thay đổi từ khi có đường giao thông, có cây cầu Ya Lốp. Tình cảm làng giềng của người dân hai xã thêm gần gũi, khăng khít. Người dân ở biên cương xem biên giới chính là nhà mình. Họ ý thức cao vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. “Chính quyền, người dân hai xã cùng thực hiện Quy chế phối hợp, về công tác bảo vệ rừng, chính sách dân tộc… Dù chưa tổ chức Lễ kết nghĩa anh em, nhưng người dân hai xã luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển và giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền biên giới” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Ông Nguyễn Công Danh khẳng định.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc