Multimedia Đọc Báo in

Hành trình xây đắp hạnh phúc của nữ quân nhân

09:09, 15/12/2019

Để mỗi cán bộ, hội viên không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân đội, mà còn là người “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Ấn tượng trong số đó là việc Hội đã tham mưu Phòng Chính trị xây dựng mô hình Câu lạc bộ Gia đình nữ quân nhân hạnh phúc (CLB). Qua 2 năm triển khai, CLB (gồm các gia đình quân nhân có vợ và chồng cùng công tác trong lực lượng vũ trang tỉnh) trở thành cầu nối giữa Hội với các thành viên gia đình. Đây cũng là sân chơi bổ ích để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, các vấn đề trong quan hệ hôn nhân, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Để CLB hoạt động có hiệu quả, Ban Chấp hành Hội đã ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban chủ nhiệm tích cực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về gia đình, sức khỏe, y tế, giáo dục; tổ chức các hoạt động sinh hoạt định kỳ và lồng ghép trong các hoạt động giao lưu, tọa đàm, văn hóa văn nghệ...

Cùng với đó, Hội còn đề ra nhiều chương trình để thu hút không chỉ các gia đình nữ quân nhân, mà còn cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia như tổ chức Hội thi “Quân nhân với kiến thức gia đình”; Hội thảo “Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại trẻ em gái”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản”; Tọa đàm “Giữ gìn truyền thống văn hóa, ứng xử tốt đẹp trong gia đình”; triển khai cho 100% hội viên đăng ký thực hiện tốt tiêu chí “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nói không với bạo lực”… Nhờ chuỗi hoạt động ý nghĩa nên 2 năm qua, CLB đã trở thành điểm đến tin cậy giúp hội viên ngày càng hoàn thiện mình để xây đắp tổ ấm thêm ấm êm, hạnh phúc.

Một gia đình quân nhân tham gia chương trình giao lưu hành trình xây đắp hạnh phúc.
Một gia đình quân nhân tham gia chương trình giao lưu hành trình xây đắp hạnh phúc.

Hạnh phúc là chìa khóa dẫn đến cánh cửa thành công, còn thành công đôi khi chỉ đơn giản là vượt qua những áp lực cuộc sống. Đồng hành cùng hội viên phụ nữ, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không chỉ thường xuyên quan tâm, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mà còn xây dựng mô hình “Nuôi heo đất giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Nhiều năm qua, từ nguồn quỹ do hội viên đóng góp 20.000 đồng/người, Hội đã kịp thời hỗ trợ vốn khởi nghiệp giúp chị em phát triển kinh tế, thăm hỏi lúc ốm đau, bệnh tật, qua đó tạo động lực tiếp thêm niềm tin cuộc sống.

Hạnh phúc còn là sự cho đi, chính vì vậy, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không chỉ quan tâm, đồng hành cùng hội viên, mà còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, tết; tích cực hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Đơn cử như năm 2017, Hội đã trao vốn khởi nghiệp để giúp gia đình chị Nguyễn Thị Nhuần (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) mua bò giống phát triển chăn nuôi. Hoàn cảnh gia đình chị Nhuần rất khó khăn, chồng chị bị tai nạn lao động, không có khả năng làm việc nặng nên một mình chị phải gồng gánh làm thuê trang trải cuộc sống, lo cho hai con ăn học. Không chỉ hỗ trợ sinh kế, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà động viên, giúp gia đình chị thêm động lực vượt qua khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tại Hội thi
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tại Hội thi "Quân nhân với kiến thức gia đình".

Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho hay, hành trình xây đắp hạnh phúc bắt đầu từ những giá trị tinh thần được bồi đắp, sẻ chia, yêu thương. Hành trình ấy còn là quá trình cố gắng, nỗ lực từng ngày của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, mỗi thành viên trong gia đình, từng cơ quan, đơn vị và toàn xã hội. Hội sẽ duy trì, tổ chức thường xuyên các chương trình, hoạt động hiệu quả nhằm chung tay cùng hội viên “giữ lửa” hạnh phúc gia đình và mang hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.