Multimedia Đọc Báo in

Hướng dẫn thực hiện BHYT với thân nhân chiến sĩ công an nhân dân

00:07, 23/12/2019

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 57/2019/TT-BCA hướng dẫn thực hiện BHYT đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ, công tác trong lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Thông tư gồm 4 chương 12 điều, hướng dẫn về đối tượng tham gia BHYT, mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng BHYT; cấp thẻ BHYT và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện BHYT đối với người lao động, học sinh trường văn hóa, sinh viên hệ dân sự, sinh viên người nước ngoài đang học tập tại trường Công an nhân dân, thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an, học viên CAND hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước.

Theo đó, đối tượng tham gia BHYT được quy định gồm: đối tượng do người lao động và Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT (người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, công nhân công an, công dân được tạm tuyển trước khi chính thức được tuyển chọn vào CAND); đối tượng do ngân sách nhà nước đóng BHYT (thân nhân của cán bộ, chiến sĩ; cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông) đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT (học sinh trường Văn hóa CAND; sinh viên hệ dân sự đang học tập tại các trường CAND); đối tượng do Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT là thân nhân thân nhân của cán bộ, chiến sỹ đã được quy định như trên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư nêu rõ, mức đóng BHYT hằng tháng của đối tượng do người lao động và Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc bằng 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (đối với người lao động hưởng tiền lương theo quy định của người sử dụng lao động), trong đó, Công an đơn vị, địa phương đóng 2/3, người lao động đóng 1/3. Đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng BHYT thuộc trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương và được trích từ ngân sách nhà nước. Đối với người lao động không hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong CAND thì số tiền đóng BHYT thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.  Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên có một hoặc nhiều hợp đồng lao động thì đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.