Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Truyền thông hiệu quả công tác dân số

08:24, 26/12/2019

Huyện Cư M’gar hiện có khoảng 189.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43% dân số, gồm 24 dân tộc anh em chung sống ở 17 xã và thị trấn. Trước đây, tình trạng tảo hôn và sinh đông con thường xuyên diễn ra trên địa bàn huyện khiến nhiều gia đình luẩn quẩn trong đói nghèo, trẻ em không được ăn học đến nơi đến chốn, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em luôn ở mức cao...

Trước tình trạng đó, những năm gần đây, UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông theo phương châm “phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức” như: Treo băng rôn, khẩu hiệu nhân Ngày Dân số thế giới (11-7), Ngày Dân số Việt Nam (26-12); lồng ghép truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trong các buổi sinh hoạt, hội họp; phát các tin, bài về công tác dân số trên Đài Truyền thanh và trên Cổng thông tin điện tử của huyện.

Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường tuyên truyền về quy định không lựa chọn giới tính thai nhi; nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số, quy định hỗ trợ phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách...

Ông Nguyễn Duy Lợi, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar cho biết: “Trong năm 2019, chúng tôi đã treo 107 băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát 5.000 tờ rơi, thực hiện 22 buổi nói chuyện chuyên đề về KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; 6 buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ở trường trung học...”.

Bên cạnh đó, nổi bật nhất trong công tác truyền thông phải kể đến Chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ được tổ chức ở 8 xã có mức sinh cao, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Cán bộ dân số xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Cán bộ dân số xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Còn tại cơ sở, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để tư vấn, vận động và cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số. Đội ngũ cán bộ dân số và cộng tác viên cơ sở đã tổ chức được hơn 400 buổi sinh hoạt nhóm và hàng nghìn lượt tư vấn trực tiếp hộ gia đình.

Nhờ thực hiện tốt các hoạt động truyền thông nên những năm gần đây, công tác dân số ở huyện Cư M’gar đã chuyển biến mạnh mẽ và chất lượng dân số ngày càng được nâng cao. Trong năm 2019, tỷ suất sinh và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên đều giảm xuống. Theo đó, tổng số trẻ sinh ra là 2.581 trẻ (giảm 153 trẻ so với năm 2018); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 16% (giảm 0,7% so với năm 2018); tỷ số giới tính khi sinh bảo đảm mức cân bằng tự nhiên. Trong năm, đã vận động được 63 người sử dụng biện pháp tránh thai đình sản (đạt 157,5% kế hoạch); 2.083 ca đặt vòng tránh thai (đạt 112,6% kế hoạch); tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại chiếm 68%...

Cán bộ dân số xã Ea Kuếh tư vấn cho người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Cán bộ dân số xã Ea Kuếh tư vấn cho người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Bên cạnh đó, đã có 1.048 phụ nữ mang thai và em bé được khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Điều đáng mừng là nhận thức của người dân về công tác dân số - KHHGĐ đã được cải thiện đáng kể. Chị H’Oen Niê, người dân xã Ea Kuếh cho biết: “Trước đây bố mẹ sinh đông con nên mình không được ăn học đầy đủ. Bây giờ xã hội phát triển rồi, vợ chồng mình quyết định chỉ sinh hai con để có điều kiện chăm sóc các con đến nơi, đến chốn”. Chị H’Nhem Niê ở xã Ea H’đing cũng chia sẻ: “Mình được cán bộ dân số tư vấn nhiều về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh nên đã cho con được khám sàng lọc. Giờ thấy con khỏe mạnh bình thường, vợ chồng mình vui lắm”.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.