Linh hoạt các giải pháp thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT
Song song với công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT), hoạt động thu hồi nợ BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của BHXH các cấp trong tỉnh. Để “đòi” được nợ, thời gian qua, BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt, giảm dần khoảng cách nợ cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Nợ BHXH, BHYT kéo dài
Vài năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Xây dựng điện lực VNECO8 luôn nằm trong danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH tỉnh. Đơn vị này hiện đang tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 77 lao động với số tiền phải đóng trung bình khoảng 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến tháng 11-2019, do kinh doanh khó khăn đơn vị vẫn đang nợ 809 triệu đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động.
Doanh nghiệp trên chỉ là một trong số rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, từ khi quỹ BHXH được hình thành từ năm 1995 trên cơ sở sự đóng góp của người lao động và chủ sử dụng lao động (thay cho hình thức bao cấp như trước kia), tình trạng doanh nghiệp hay dây dưa nợ đọng tiền BHXH, BHYT đã diễn ra.
Đặc biệt, trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, để bảo vệ lợi nhuận của mình, không ít doanh nghiệp đã cố tình cắt giảm nhiều quyền lợi chính đáng của người lao động, trong đó có lợi ích về BHXH, BHYT. Thậm chí, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, không thực hiện được trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Các cán bộ BHXH tỉnh làm việc với Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Xây dựng điện lực VNECO 8 về vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT. |
Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 1.000 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có khoảng 700 đơn vị nợ phải tính lãi với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 75 tỷ đồng (chiếm 2,43% kế hoạch thu). Đặc biệt thời gian gần đây còn phát sinh thêm một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê nợ BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh, để bảo đảm tiến độ công tác thu và bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh đang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo BHXH, BHYT tỉnh chỉ đạo công tác thu, thu nợ và phát triển đối tượng; phối hợp với các ngành liên quan đối thoại với doanh nghiệp, kiểm tra, xử phạt, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự…
Kiên trì vì người lao động
Trên thực tế, việc thu nợ không chỉ giúp cơ quan BHXH hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà quan trọng hơn cả là góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động. Bởi, nếu chủ sử dụng lao động không nộp BHXH kịp thời, người lao động sẽ không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, khám chữa bệnh, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, tử tuất… Thế nhưng, với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời điểm nhất định, việc tuyên truyền, vận động thu hồi nợ còn thuận lợi, nhưng với những doanh nghiệp cố tình chây ì, mất tích, công việc thu hồi nợ luôn khiến các cán bộ thu nợ “ngao ngán”.
Theo chia sẻ của một cán bộ đi “đòi nợ”: "Công tác thu nợ, việc tìm được trụ sở của doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, bởi rất nhiều doanh nghiệp tuy có địa chỉ nhưng không có dấu hiệu hoạt động, hoặc giải thể, phá sản, chuyển địa điểm không thông báo với cơ quan chức năng. Khi tìm được địa chỉ, gặp được chủ sử dụng lao động cũng là cả vấn đề. Hôm nào may mắn gặp được thì chủ doanh nghiệp lại đưa ra “1.001 lý do” để né tránh, hứa hẹn…".
Khó khăn là vậy, song để thực hiện được mục tiêu giảm nợ đọng BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi của người lao động, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp như giao trách nhiệm cho cán bộ chuyên quản địa bàn, doanh nghiệp; thường xuyên đối chiếu, rà soát nợ và yêu cầu chủ sử dụng lao động nộp đúng, đủ, kịp thời; tăng cường kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt hành chính, tính lãi trên số tiền nợ đọng; phối hợp với ngân hàng trích tài khoản của đơn vị nợ để thanh toán BHXH theo quy định. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra để kiểm soát tình trạng nợ BHXH, BHYT trên địa bàn.
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh chia sẻ, với những doanh nghiệp ở tình trạng thực sự khó khăn dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT, cơ quan BHXH giúp đỡ bằng cách khoanh nợ, đưa ra lộ trình giúp doanh nghiệp trả nợ. Đồng thời, linh động giải quyết các tình huống khi có người lao động về hưu hoặc chuyển công tác theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Còn với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, nợ dây dưa kéo dài, thậm chí chiếm dụng luôn phần trích đóng BHXH, BHYT từ tiền lương hằng tháng của người lao động thì cơ quan BHXH sẽ nắm diễn biến qua nhiều kênh thông tin để xử lý theo quy định, thậm chí áp dụng biện pháp mạnh để thu hồi nợ.
Để giảm số nợ BHXH, BHYT đến mức thấp nhất, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan Thuế, hằng tháng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế rà soát kiểm tra số doanh nghiệp chưa tham gia BHXH trên địa bàn. Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành làm việc, lập biên bản kiểm tra, thanh tra yêu cầu doanh nghiệp tham gia và đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc