Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh với nghề làm nhang

08:52, 29/12/2020

Dẫu nguồn thu nhập không cao, nhưng những năm qua các cơ sở làm nhang trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho nhiều lao động địa phương.

Ông Kim Văn Sơ, chủ cơ sở sản xuất nhang ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, nghề làm nhang nhìn qua rất đơn giản nhưng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, cẩn thận. Do đó, hầu hết nhân công làm tại cơ sở đều là nữ giới.

Ông Sơ từng gắn bó với nghề làm nhang lâu năm, sản phẩm nhang của gia đình ông được nhiều mối hàng biết đến, đặc biệt ở các chợ lớn trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, để bảo đảm hoạt động sản xuất, đồng thời giữ uy tín với bạn hàng, khâu chọn nguyên liệu đầu vào được cơ sở đặc biệt chú trọng. Các loại nguyên liệu chính như lá quế, rễ hương bài, nhựa trám, vỏ keo… đều được đặt mua từ các tỉnh phía Bắc, sau đó về sơ chế, xay nhuyễn, trộn công thức phù hợp để có mùi nhang ngọt mà không gắt.

Để đáp ứng hoạt động sản xuất, gia đình ông đã đầu tư 1 máy nghiền nguyên liệu, 2 máy làm nhang nén, 1 máy làm nhang vòng. Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề làm nhang trở thành nghề chính của hai vợ chồng ông, hằng tháng tạo công ăn việc làm cho khoảng 3 lao động thường xuyên và một số lao động thời vụ.

Là người gắn bó với cơ sở của gia đình ông Sơ hơn 3 năm nay, chị Nguyễn Thị Nga (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch, khi mới bắt đầu vào nghề sản phẩm của chị hay bị hư, nhưng qua nhiều năm theo nghề thì giờ mọi công đoạn chị đều thành thạo. Với chị, nghề làm nhang phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình và bảo đảm nguồn thu nhập hằng tháng để chị trang trải cuộc sống gia đình. Còn chị H’Đê Niê (phường Ea Tam) thì mới làm ở đây hơn 4 tháng nhưng cũng đã dần quen việc, với mức thu nhập 140.000 đồng/ngày giúp chị có khoản chi tiêu trong gia đình. 

Nhân công đang phơi nhang vòng tại cơ sở của ông Kim Văn Sơ.
Nhân công đang phơi nhang vòng tại cơ sở của ông Kim Văn Sơ.

Để chủ động cho nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, cơ sở sản xuất nhang của gia đình chị Ôn Thị Kiều Tiên (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) đã triển khai từ hồi tháng 9, hiện chỉ đóng gói và làm thêm một ít chứ không thuê lao động thời vụ trong thời điểm cận Tết. Từng được biết qua nghề làm nhang khi đang còn ở TP. Hồ Chí Minh, từ khi hai vợ chồng về lập nghiệp tại Buôn Ma Thuột, chị Tiên đã quyết theo nghề nhang thay vì xin vào cơ quan Nhà nước.

Hơn 9 năm gắn bó với nghề này, chị đã tạo dựng được uy tín với các bạn hàng, có nguồn thu nhập ổn định. Chị Tiên chia sẻ, xác định đây là nghề chính của mình nên chị đầu tư máy móc cẩn thận. Quy mô cơ sở không lớn nên thường vào mùa thời tiết thuận lợi cho việc phơi nhang thì chị mới thuê lao động thời vụ, còn lại tranh thủ thời gian trong ngày để lấy công làm lãi. Vào những tháng sản xuất phục vụ hàng Tết, cơ sở của chị thường thuê từ 2 - 3 lao động thời vụ, với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Chị Ôn Thị Kiều Tiên (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) phơi nhang thẻ tại cơ sở của gia đình.
Chị Ôn Thị Kiều Tiên (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) phơi nhang thẻ tại cơ sở của gia đình.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, số hộ làm nhang không nhiều, quy mô nhỏ lẻ, phần lớn sản phẩm làm ra cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Năm nay do tác động của giá cả thị trường các mặt hàng nông sản xuống thấp, kéo theo thị trường tiêu thụ nhang trên địa bàn tỉnh cũng trở nên trầm lắng. Nhiều hộ theo nghề này chia sẻ chưa bao giờ thấy nhang ế ẩm như năm nay, số lượng hàng làm ra đến cuối tháng 11 âm lịch vẫn chất đầy kho, rất ít mối hàng đặt trước, hy vọng trung tuần tháng Chạp thị trường nhang sẽ có chuyển biến tốt để các cơ sở và người lao động có một cái tết ấm áp.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.