Phát triển BHXH tự nguyện ở huyện Krông Bông: Tập trung vào nhóm đối tượng tiềm năng
Cùng với các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đến từng xã và thôn, buôn, huyện Krông Bông đã tập trung phát triển BHXH tự nguyện đối với những đối tượng có tiềm năng như tiểu thương, người buôn bán, cán bộ thôn, buôn nhưng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…
Để thực hiện mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn, thời gian qua, BHXH huyện Krông Bông đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể. Theo đó, đơn vị đã phối hợp với Bưu điện huyện và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền để người dân hiểu rõ những lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện; đặc biệt đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân ở các thôn, buôn để giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn thủ tục, chính sách hỗ trợ cho người dân khi họ tham gia loại hình bảo hiểm này.
Anh Hỏa Văn Trưởng (giữa) tìm hiểu thông tin về các mức đóng BHXH tự nguyện. |
Anh Hỏa Văn Trưởng (tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar) sau khi dự cuộc họp ở tổ dân phố và được cán bộ BHXH giới thiệu về loại hình BHXH tự nguyện đã cùng vợ tham gia. Đến nay hai vợ chồng anh đã tham gia được 3 năm với số tiền đóng mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Được biết, kinh tế gia đình anh khá ổn định, thu nhập ngoài trang trại chăn nuôi heo còn có thêm nguồn thu từ việc buôn bán cám.
Anh Trưởng chia sẻ: “Biết rằng cuộc sống hiện tại khá ổn định nhờ vào việc kinh doanh, chăn nuôi, thế nhưng, đâu biết được tương lai sau này ra sao nên khi nghe tuyên truyền về loại hình bảo hiểm này, thấy được những lợi ích thiết thực như được hưởng lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế khi về già, bớt một phần gánh nặng hay bị phụ thuộc vào con cháu nên tôi liền đăng ký tham gia cho cả hai vợ chồng. Bây giờ, cuộc sống cũng khấm khá hơn nên tôi đang có ý định sẽ tăng số tiền tham gia BHXH tự nguyện lên nhiều hơn”.
Cùng với công tác tuyên truyền, năm 2018, BHXH huyện đã triển khai phong trào mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động trong ngành BHXH là một tuyên truyền viên tích cực và phải vận động ít nhất 3 người tham gia BHXH tự nguyện; đối với đại lý thu phải đạt ít nhất 6 người. Song song đó, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu có mặt hầu hết ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các đại lý thu đã và đang khẳng định là “cánh tay nối dài” của ngành BHXH trong việc tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.
Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện Krông Bông có 330 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 129 người so với cuối năm 2018. |
Đơn cử như chị Trịnh Thị Vân, đại lý thu tại xã Hòa Sơn là một trong những đại lý thực hiện tốt việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, chỉ tính riêng trong năm 2019 đã phát triển thêm được 14 người.
Theo chị Vân, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm, nhất là BHXH tự nguyện không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp người dân nhiều hay ít lần, mà quan trọng hơn cả là hiểu người dân cần gì để cung cấp thông tin và thông qua tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức, khiến họ tin tưởng, cảm thấy thoải mái và yên tâm, tự nguyện tham gia. Vì thế, những người làm đại lý thu phải gần gũi, nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong gia đình cần vận động, từ đó tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp để người dân hiểu thêm về lợi ích, ý nghĩa thiết thực của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Như trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến (thôn 6, xã Hòa Sơn) dù kinh tế gia đình không mấy khá giả, nhưng khi được chị Vân vận động, cuối năm 2018, vợ chồng chị đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 248.000 đồng/người/tháng. Chị Yến tâm sự, với công việc thợ làm tóc của mình và nghề sửa xe máy của chồng thì chỉ đủ chi tiêu trong gia đình, dẫu thế hằng tháng hai vợ chồng vẫn dành ra một ít để đóng bảo hiểm như một cách phòng thân, có “chỗ dựa” khi về già.
Chị Trịnh Thị Vân (thứ 2 từ phải sang) tuyên truyền BHXH tự nguyện tại một hộ dân trên địa bàn xã. |
Ông Dương Thanh Sơn, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Bông cho biết, để phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện đã triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng là người lao động tự do; trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng tiềm năng là hộ kinh doanh, buôn bán, làm nông nghiệp có kinh tế khá giả... Để người dân hiểu được lợi ích và tự giác tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, ngoài việc sẽ tiếp tục “bám dân” để tuyên truyền, vận động họ hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện thì đơn vị cũng sẽ không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ nhằm mở rộng, bao phủ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc