Multimedia Đọc Báo in

Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh

09:43, 08/01/2020

Những mảnh đời éo le, bất hạnh, không máu mủ ruột rà nhưng họ sống chung dưới một mái nhà, coi nhau như một gia đình, trao cho nhau tình yêu thương và đùm bọc nhau trong cuộc sống. 

Ven bờ suối ở cuối buôn Đung (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có một trang trại nhỏ chăn nuôi heo, gà, bò và trồng nhiều loại cây ăn trái, rau xanh. Hằng ngày có khoảng chục em nam nữ trong độ tuổi thanh thiếu niên đến chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mỗi người một việc rất thành thạo, vừa làm vừa nói cười râm ran cả khu vườn.

Chia sẻ với chúng tôi, em A Yur người dân tộc Êđê cho biết, các em sống ở nhà lưu trú sắc tộc TêRêXa TP. Buôn Ma Thuột, hằng ngày sau giờ học ra đây lao động, giúp sơ tăng gia sản xuất.  A Yur là con thứ ba trong gia đình có 8 người con ở xã Ea H'đing, huyện Cư M’gar, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Nhà đông con, bố mẹ bị bệnh đau ốm thường xuyên nên cuộc sống rất khó khăn, các em không có điều kiện đến trường, thấy A Yur ham học nên gia đình đã xin cho em đến nhà lưu trú.

“Ở đây chúng em như một gia đình, các sơ như mẹ, còn tụi em như anh em một nhà, được sơ nuôi ăn học và dạy nhiều điều bổ ích. Năm nay tốt nghiệp THPT, em ước mơ trở thành một thầy giáo về dạy cho các em nhỏ ở buôn làng của mình” - A Yur nói.

Các em học nghề dệt thổ cẩm.
Các em học nghề dệt thổ cẩm.

Khác với A Yur,  Bu Li và Su Ra và là hai anh em ruột, bố mẹ chia tay, các em bỗng chốc không nơi nương tựa, phải lang thang ngoài đường, ngoài chợ, bà con lối xóm thương tình đưa về chăm sóc và tìm đến các sơ nhờ giúp đỡ. Năm nay Su Ra 7 tuổi, Bu Li 12 tuổi, nhắc tới bố mẹ và hoàn cảnh gia đình, cả hai mắt đỏ hoe nhìn ngơ ngác về phía trời xa.

Nhà lưu trú sắc tộc TêRêXa ở số 99 đường Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột được hình thành từ năm 2003 nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa đến sinh sống. Ngoài học văn hóa các em còn được các sơ cho học nghề: may mặc, dệt thổ cẩm, học các loại nhạc cụ dân tộc, làm các đồ mỹ nghệ...

Sơ Nguyễn Thị Thuận - phụ trách nhà lưu trú sắc tộc TêRêXa tâm sự: Nhà lưu trú hiện có 200 trẻ ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 12. Các em là người  dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao đỏ, Rơ Ngao, Xê Đăng, Gia Rai đến từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Gia rai, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… Mỗi em một hoàn cảnh, một phận đời, không có một gia đình trọn vẹn bình thường. Em thì mồ côi, em thì bị cha mẹ bỏ rơi, nhà nghèo, gia đình đông con không được đến trường. Có em, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời không biết cha mẹ mình là ai; có em thì phải chứng kiến cảnh từng người thân của mình ra đi; cũng có những trường hợp gia đình không đủ điều kiện nuôi nấng…

Các em ở nhà lưu trú tham gia chăm sóc vườn rau.
Các em ở nhà lưu trú tham gia chăm sóc vườn rau.

Ở đây không ai muốn nhắc đến hoàn cảnh của các em, sợ các em tủi thân, có những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập. Các sơ luôn tâm sự, động viên các em để phần nào lấp đi cái khoảng trống vô tận đó. Mong muốn của các sơ là giúp cho các em nâng cao trình độ học vấn, biết lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất, biết yêu thương đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, biết gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình…

Được sự quan tâm của cộng đồng, trong ngôi nhà lưu trú TêRêXa các sơ đã giúp những đứa con “đặc biệt” phần nào hàn gắn vết thương trong tâm hồn. Nhiều em đã thành đạt tự mình xây dựng tổ ấm riêng, nhưng vẫn luôn nhớ về mái nhà chung nơi đã từng che chở, cưu mang mình thuở ấu thơ thiệt thòi, thiếu thốn.

                            Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.