Multimedia Đọc Báo in

Trao "cần câu" cho người nghèo nơi "cổng trời" Ea Rớk

09:42, 08/01/2020

Thôn Ea Rớk, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có 169 hộ, 972 khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Hmông; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến hơn 91%.

Đầu năm 2017, trong chuyến khảo sát nơi "cổng trời" Ea Rớk, thấy cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn, chị Vũ Thị Ngọc Ái Vy – một nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh đã quyết định huy động nhiều nguồn lực triển khai Dự án "Ngân hàng bò cái sinh sản luân phiên" nhằm hỗ trợ các hộ dân nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ban đầu chị Vy hỗ trợ 4 con bò cái sinh sản cho 4 hộ nghèo tại thôn. Khi bò sinh lứa đầu tiên được 5 tháng tuổi, gia đình giữ lại bê con và chuyển bò mẹ sang cho hộ nghèo khác tiếp tục nuôi. Từ năm 2017 đến nay, dự án này đã hỗ trợ được 40 bò cái sinh sản (giá trị gần 600 triệu đồng) với 52 lượt nuôi. Số bò giờ đã tăng lên thành 60 con lớn nhỏ với giá trị ước tính hơn 1 tỷ đồng; 4 con bò hỗ trợ đầu tiên giờ đã sinh sản được 8 con bê và đang tiếp tục nuôi ở hộ thứ ba; 8 con bê đã được chuyển sang hộ thứ hai. Cách hỗ trợ này thực sự đã mang lại hiệu quả tích cực, trao cơ hội cho các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Bò cái sinh sản của gia đình anh Lý Seo Hòa sinh trưởng tốt do được chăm sóc kỹ lưỡng.
Bò cái sinh sản của gia đình anh Lý Seo Hòa sinh trưởng tốt do được chăm sóc kỹ lưỡng.

Như trường hợp gia đình ông Dương Văn Pao được hỗ trợ một con bò cái sinh sản với số tiền hơn 15 triệu đồng vào đầu năm 2017. Không chỉ được nhận bò, gia đình ông còn được cán bộ thú y, Ban thực thi dự án của xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, bò đã sinh sản được một bê con và ông đã bàn giao bò mẹ lại cho hộ nghèo khác nuôi. Ông phấn khởi bày tỏ: "Sau gần 3 năm được hỗ trợ, gia đình tôi đã có được một con bò trưởng thành trị giá hơn 25 triệu đồng, dự định sang năm tôi bán để có vốn mua cặp bò cái sinh sản tiếp tục nuôi".

Hay như gia đình các anh Dương Văn Pùa, Lý Seo Hòa vào Ea Rớk lập nghiệp với hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy song đất canh tác vùng triền núi nhanh chóng bạc màu, năng suất thấp. Khi được hỗ trợ bò vào năm 2017, họ đã quyết tâm chăm sóc, nuôi dưỡng với mong muốn có thêm nguồn vốn để cải thiện cuộc sống.

Đến nay bò mẹ đã được luân phiên đến hộ nghèo khác trong thôn, bò con được gia đình anh Pùa, anh Hòa nuôi và chăm sóc tốt, hiện được định giá hơn 15 triệu đồng/con. Số tiền tuy không lớn nhưng đã tạo điều kiện để gia đình thoát khỏi đói nghèo. Được hỗ trợ bò từ Dự án “Ngân hàng bò luân phiên” trong các năm 2018, 2019, rất nhiều hộ đã được trao “cần câu” để tạo sinh kế cho gia đình mình.

Anh Lý Seo Páo với niềm vui được nhận bò từ Dự án
Anh Lý Seo Páo với niềm vui được nhận bò từ Dự án "Ngân hàng bò luân phiên".

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: "Trong thời gian qua, Ban điều hành của xã đã tiếp nhận 40 con bò cái sinh sản để hỗ trợ cho các hộ nghèo tại thôn Ea Rớk. Dự kiến trong năm 2020 xã sẽ bố trí hỗ trợ cho bà con tại thôn Ea Uôl, đồng thời Ban điều hành của xã sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò để bà con chăm sóc bò hiệu quả nhằm sớm thoát nghèo".

Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.