Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp gian hàng... "0 đồng"

09:47, 14/02/2020

Nhiều lần đi cơ sở, thấy người dân ở địa phương thiếu thốn quần áo để mặc, bà Phạm Thị Quy (Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh ủng hộ quần áo cũ để mở gian hàng "0 đồng".

Cuối năm 2018, bà Quy bắt đầu thực hiện ý tưởng bằng cách kêu gọi qua mạng xã hội facebook và đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ. Nhận không khó, cách cho mới khó - nên trong các bài viết kêu gọi tấm lòng thơm thảo ủng hộ bà đều viết "cần nhà tài trợ góp vốn” để thực hiện gian hàng "0 đồng". "Gian hàng này đơn thuần là hoạt động mua bán, người dư thì bán, người thiếu thì mua với mức giá 0 đồng. Điều này làm cho người đến lựa quần áo không có cảm giác ngại ngùng hay phải hàm ơn" -  bà Quy cho biết.

Gian hàng
Gian hàng "0 đồng" tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau lời kêu gọi đầu tiên bà Quy nhận được gần 600 bộ quần áo do Chi hội Phụ nữ phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) gửi tặng. Bà Quy đã phân loại, giặt sạch rồi tự bỏ tiền mua 100 móc treo quần áo để khai trương gian hàng "0 đồng" ngay tại nhà. Thời gian đầu một số người còn e ngại, dù thiếu nhưng chưa ghé lại gian hàng để chọn, nhưng nhờ sự nhiệt tình, cách nói hóm hỉnh của bà Quy mà cửa hàng ngày một đông khách; số lượng quần áo được các mạnh thường quân gửi tới ủng hộ ngày càng nhiều. Gian hàng "0 đồng" trở nên nhộn nhịp hơn.

Đến nay, gian hàng "0 đồng" của bà Quy đã bán hơn 6.000 bộ quần áo, giày dép, mũ nón… cho người nghèo trong và ngoài xã. Không những vậy, bà Quy còn thường xuyên tham gia hiến máu nhân đạo, phát cháo từ thiện… với mong muốn góp phần giúp cho người dân địa phương có cuộc sống đầy đủ hơn.

Bà Quy tâm sự: “Khi biết được hoạt động ý nghĩa này, tôi được chồng và các con ủng hộ. Thời điểm các mạnh thường quân gửi tặng nhiều quần áo, lúc rảnh rỗi cả nhà cùng chẻ tre làm thêm móc để treo được nhiều đồ và tiết kiệm chi phí".

Ngoài gia đình bà Quy, gian hàng "0 đồng" hiện có thêm 5 tình nguyện viên là giáo viên, trưởng thôn, cán bộ Đoàn xã Ea Kly… cùng tham gia kêu gọi và chung tay giúp sức. Nhờ vậy, bà Quy cùng các tình nguyên viên mạnh dạn đưa gian hàng "0 đồng" đến một số vùng khó khăn ở địa phương. Đợt đầu tiên, gian hàng "0 đồng" mở bán 500 bộ quần áo tại buôn Krai B (xã Ea Kly) nhân dịp Trung thu năm 2019. Do nhu cầu “mua” quần áo của bà con tăng cao nên gian hàng bán rất “chạy”. Điều này thôi thúc bà Quy quyết tâm tổ chức thêm nhiều gian hàng "0 đồng" đến vùng sâu, vùng xa nhiều hơn. Tính đến nay, bà Quy đã tổ chức được 8 gian hàng "0 đồng" tại một số thôn, buôn khó khăn ở trong và ngoài xã. Bà Quy cho hay: “Để gian hàng bán nhanh, nhiều người dân biết tới, tôi chủ động liên hệ với chính quyền địa phương thông báo trước với người dân để ai cần thì tới chọn mua”.

Bà Phạm Thị Quy (bìa trái) thường tổ chức gian hàng
Bà Phạm Thị Quy (bìa trái) thường tổ chức gian hàng "0 đồng" ở vùng sâu, vùng xa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đặc biệt, trong nhiều lần tham dự mít tinh kỷ niệm ngày 8-3, 20-10, bà Quy thấy chị em phụ nữ ở địa phương rất ít có áo dài để mặc, bà liền liên hệ với giáo viên các trường, vận động qua mạng xã hội, những người thường xuyên may áo dài ủng hộ áo dài tặng phụ nữ trong xã. “Áo dài thường được chị em đặt may với giá khá cao, theo số đo của từng người và thường gắn liền với kỷ niệm của cá nhân nên rất khó tặng. Thế nhưng qua sự vận động của bà Quy,  nhiều giáo viên, mạnh thường quân ở trong và ngoài tỉnh đã gửi tặng được gần 100 bộ áo dài cho chị em phụ nữ xã Ea Kly” bà Quy chia sẻ.

Dù mới đi vào hoạt động gần 2 năm nhưng gian hàng "0 đồng" của bà Phạm Thị Quy đã giúp nhiều người dân nghèo có thêm quần áo “mới”. Đây là hoạt động nhân văn, góp phần lan tỏa sự sẻ chia, tình người trong cuộc sống. Việc làm ý nghĩa này rất cần sự chung tay góp sức của nhiều tấm lòng hảo tâm hơn nữa để duy trì lâu dài, nhân rộng.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.