Multimedia Đọc Báo in

Gia đình bộ đội xoay xở chăm con mùa dịch bệnh

08:25, 21/02/2020

Các trục đường Trần Huy Liệu, Phan Phù Tiên, Chu Mạnh Trinh (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) thường được bộ đội gọi vui là “phố nhà binh” bởi có rất nhiều gia đình bộ đội sinh sống.

Sau Tết Nguyên đán Canh Tý, việc lũ trẻ được nghỉ học dài ngày khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ở đây khá vất vả, chật vật trong việc trông coi, quản lý con cái. Một cuộc họp phụ huynh “khẩn” của các hộ gia đình có con trong độ tuổi mẫu giáo lập tức được tiến hành. Cuộc họp thống nhất, các chị em phụ nữ sẽ luân phiên xin phép cơ quan, đoàn thể nghỉ ở nhà chăm con, tạo điều kiện tốt nhất giúp chồng yên tâm công tác.

Hằng ngày, các “bảo mẫu” vừa trông coi, chăm sóc, bảo ban lũ trẻ vừa kiêm luôn việc dạy múa, dạy hát cho các cháu. Để nâng cao ý thức trong việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, các cháu còn được hướng dẫn cách đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, hạn chế tiếp xúc với người lạ hay đến những khu vực đông người khi không cần thiết. Chị nào rảnh rỗi thì tranh thủ chợ búa, cơm nước cho các nhà khác, trên tinh thần “góp gạo thổi cơm chung”. Tình làng nghĩa xóm nhờ vậy cũng thêm phần gắn bó. Sau vài tuần “quay cuồng” cùng bọn trẻ, ai cũng cảm phục và trân trọng hơn những vất vả của các cô giáo mầm non khi ngày ngày họ phải chăm lo tất cả từ bữa ăn, giấc ngủ, đi đứng, vệ sinh của hàng chục trẻ nhỏ.

Các cháu nghỉ học, mẹ Đại úy Nguyễn Nguyên Đồng chăm cả cháu nội lẫn cháu ngoại.
Các cháu nghỉ học, mẹ Đại úy Nguyễn Nguyên Đồng chăm cả cháu nội lẫn cháu ngoại.

Trước đây, chiều nào vợ chồng Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Văn Luyến, nhân viên Chuyên mục Quốc phòng toàn dân và Trung tá QNCN Nguyễn Thị Lân, nhân viên Văn phòng (Bộ CHQS tỉnh) cũng háo hức chở hai đứa cháu ngoại Mi Mi và San San lên công viên thiếu nhi chơi đu quay, cầu trượt. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, những thói quen thường ngày cũng tạm thời gác lại. Ngoài những quyển truyện tranh, vở tập viết, tập đọc, thi thoảng anh Luyến lại tìm mua những bộ tượng siêu nhân, công chúa cho bọn trẻ tập tô ở nhà. Mới 3 tuần trôi qua mà khung cửa sổ phòng ngủ của Mi Mi và San San đã đầy ắp những bức tượng lấm lem, vụng về, ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Chồng công tác xa nhà, trước đây chị Nguyễn Thị Hoa, Cử nhân điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, vợ Đại úy Phạm Ngọc Sơn – Chính trị viên Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh) vừa đi làm, vừa lo chăm sóc con cái và quản lý một cửa hàng kinh doanh nhỏ để có thêm thu nhập. Cuối tuần rảnh rỗi chị lại thu xếp đưa các con vào đơn vị thăm chồng.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, các con phải nghỉ học, chị quyết định tạm đóng cửa hàng, gửi cháu lớn về quê nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc giúp, còn mình tập trung chăm cháu út. Tiểu đoàn 303 đang tất bật chuẩn bị cho lễ ra quân huấn luyện, lại đang mùa dịch bệnh nên hạn chế tối đa việc thăm thân, hay nghỉ tranh thủ của cán bộ nên anh Sơn vắng nhà cả tháng nay. Chiếc điện thoại trở thành nhịp cầu gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Chị Hoa dự tính, nếu sang tháng 3 việc đi học của các con vẫn bị gián đoạn, chị sẽ thuyết phục bà nội, bà ngoại thay phiên lên ở cùng mình để tiện bề chăm sóc các con.

Chị  Nguyễn Thị Hoa cùng các con trong một lần vào đơn vị thăm chồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa cùng các con trong một lần vào đơn vị thăm chồng.

Từng có thời gian làm Chính trị viên Đại đội 5 (Ban CHQS huyện Buôn Đôn) trước khi đảm nhiệm vai trò Trợ lý Tuyên huấn (Phòng Chính trị) - Bộ CHQS tỉnh nên Đại úy Nguyễn Nguyên Đồng thuộc nằm lòng các bài thuốc dân gian, tuy đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm của bộ đội. Quần áo, chăn màn, đồ chơi, vật dụng của các con, anh cùng vợ (chị Bùi Thị Thanh Thảo, nhân viên kế toán tại một công ty tư nhân) thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch diệt khuẩn. Hai đứa con anh tuy mới học mẫu giáo nhưng đã tập được thói quen súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy để phòng bệnh đường hô hấp. Từ khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát, các cháu lại càng  có ý thức rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hay đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Nhà neo người, bài toán “Sáng mai ngủ dậy biết gửi con cho ai?” khiến anh chị nhiều đêm mất ăn, mất ngủ.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.