Multimedia Đọc Báo in

Mở cơ hội hoàn lương cho những mảnh đời lầm lỡ

08:52, 11/02/2020

Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (sau đây gọi Cơ sở) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đóng tại thôn 4, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc hiện có trên 480 học viên, trong đó cai nghiện bắt buộc 395 người, còn lại là cai nghiện tự nguyện và đối tượng xã hội.

Không chỉ cắt cơn, giải độc, điều trị, phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy, cơ sở còn tư vấn, giúp đỡ, ổn định tâm lý, tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất, “mở lối” về giúp những mảnh đời lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh hướng dẫn học viên đan ghế theo đơn đặt hàng.
Cán bộ Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh hướng dẫn học viên đan ghế theo đơn đặt hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Kia, Phó Giám đốc Cơ sở cho biết, ngay sau khi tiếp nhận đối tượng, đơn vị tiến hành lập hồ sơ và phân loại học viên dựa trên độ tuổi, đặc điểm nhân thân, mức độ nghiện, tiền án, tiền sự để lên kế hoạch sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Sau đó, phòng chức năng tiến hành kiểm tra, phân loại tình hình sức khỏe để có hướng điều trị, theo dõi phù hợp và thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc cho đối tượng theo phác đồ quy định.

Không chỉ thực hiện điều trị cắt cơn, giải độc, tuyên truyền, giáo dục giúp học viên đoạn tuyệt với ma túy, thời gian qua, Cơ sở còn tổ chức rèn luyện thể chất phục hồi hành vi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tạo điều kiện cho học viên tham gia các lớp học nghề phù hợp như: may mặc, mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi...

Sau khi kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề để sau này trở về địa phương có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Mỗi học viên khi tham gia lao động đều được hưởng chế độ từ mỗi sản phẩm do mình làm ra để từ đó thấy được mình thực sự là người có ích… Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Cơ sở còn trực tiếp liên hệ với các đối tác để tìm kiếm đơn đặt hàng nhằm tạo việc làm tại chỗ cho học viên trong thời gian chấp hành quyết định tại đơn vị.

Các học viên Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tham gia rèn luyện thể thao.
Các học viên Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tham gia rèn luyện thể thao.
 

“Cơ sở vật chất của đơn vị ngày càng xuống cấp, định biên theo quy định còn thiếu, trong khi số học viên ngày càng tăng, sử dụng các loại ma túy tổng hợp gây khó khăn cho công tác quản lý, điều trị cai nghiện. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương và gia đình học viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn”.

 

 
Phó Giám đốc Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Nguyễn Ngọc Kia

Anh Trịnh Ngọc Tùng, Chủ nhiệm đội nghề khu A chia sẻ: “Đối tượng sử dụng các loại ma túy tổng hợp có độ tuổi ngày càng trẻ và thường bị loạn thần, khó tiếp cận, thường xuyên gào thét, đập phá, chống đối, thậm chí là có thái độ vô lễ với nhân viên, cán bộ của Cơ sở nên cần kiên trì, vừa mềm mỏng, vừa cương quyết. Khi đã có được lòng tin, tình cảm của học viên thì họ sẽ thực sự cộng tác, phối hợp trong triển khai các hoạt động giáo dục, học nghề, lao động sản xuất...”.

Anh L.V.H. (trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) là lái xe đường dài tuyến Bắc – Nam. Đầu năm 2019, anh H. bị bắt khi đang sử dụng ma túy trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và phải vào cai nghiện bắt buộc. Sau khi được điều trị, cắt cơn, giải độc, anh được tham gia lao động, học nghề đan ghế với thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng. Anh H. cho hay, lúc đầu anh rất mặc cảm, tự ti, thấy có lỗi với vợ con. Nhờ được cán bộ, nhân viên Cơ sở quan tâm động viên, khích lệ tinh thần, được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao và học nghề đan ghế, dần dần anh vượt qua mặc cảm, quyết tâm cai nghiện để được trở về đoàn tụ với gia đình. Còn với V.V.V. (trú ở phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), bố mẹ đều mất sớm, tuổi trẻ bồng bột nên đã nghiện ma túy nặng và phải vào Cơ sở đến lần thứ 3. “Biết là việc làm của mình là sai trái nhưng trước đây tôi chưa từ bỏ được. Sau lần này tôi quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời”, anh V. bày tỏ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.