Multimedia Đọc Báo in

Cổ tích dưới chân đèo Ea Na (Kỳ cuối)

08:39, 03/03/2020

Kỳ cuối: Thầm lặng những cống hiến với Trại phong

Để những bệnh nhân phong thực sự hồi sinh như hôm nay, không thể không kể đến những cống hiến thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại Khoa điều trị phong Ea Na. Hàng chục năm nay, các bệnh nhân đều xem đây là ngôi nhà chung giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Được tận mắt chứng kiến cách xưng hô giữa bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân tại Khoa điều trị phong Ea Na mới thấy được tình cảm chân tình, gần gũi, xóa mọi khoảng cách giữa cán bộ, nhân viên với bệnh nhân.

Khi y tá H’El Apuôt vào khu vực thăm khám các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Khoa, tất cả các bệnh nhân đều gọi tên một cách trìu mến, thay vì gọi y tá, bác sĩ như thông thường, một số người lớn tuổi còn gọi là con gái.

Y tá H’El làm việc tại Trại phong từ năm 1986, đến nay chị đã tròn 34 năm gắn bó với nơi này. Hằng ngày, ngoài việc kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc cho bệnh nhân lúc cơn đau tái phát, chị luôn dành thời gian hỏi han, tâm tình cùng họ. Chị xem tất cả các bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú ở đây như cha, mẹ, ông, bà của mình.

Chị H’El kể, năm 21 tuổi, sau khi học Trung học Y tế Đắk Lắk chị về nhận công tác tại Khoa điều trị phong Ea Na. Là người dân địa phương nên chị không cảm thấy bỡ ngỡ khi làm việc tại đây. Chị xác định với những người mang trong mình căn bệnh phong, ngoài nhiệm vụ thăm khám, phát thuốc thì việc tạo tâm lý thoải mái đối với họ rất quan trọng. Đa số bệnh nhân phong luôn có cảm giác cô đơn, bị người đời xa lánh nên những lời tâm tình với họ như liều thuốc tinh thần để họ vượt qua mặc cảm bệnh tật.

Mỗi lần thăm khám, chị thường nán lại để kể về chuyện gia đình, xã hội, các vấn đề thời sự cho các bệnh nhân nghe. Ngược lại, không ít người bệnh cũng ríu rít tâm tư với chị về chuyện gia đình, con cái, những thú vui tuổi già. Chị cũng thường tranh thủ thời gian rỗi ngồi nắn, bóp các ngón tay, ngón chân cho người bệnh để họ bớt đau nhức vào những ngày trở gió. Chừng ấy năm công tác, giữa chị và bệnh nhân gần gũi như người trong nhà, chị hiểu rõ được tính tình của từng người, như ông Y Nheo Mta vui tính, hóm hỉnh, bà H’Chip Niê hay hờn dỗi, cô H’Ứ Ênuôl vui vẻ, hòa đồng…

Chị H’Kiăt Êban chuẩn bị bữa cơm trưa cho các bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa điều trị phong Ea Na.
Chị H’Kiăt Êban chuẩn bị bữa cơm trưa cho các bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa điều trị phong Ea Na.
Khoa điều trị phong Ea Na hiện có 65 bệnh nhân, trong đó có 29 trường hợp điều trị nội trú. Ngoài việc kiểm tra sức khỏe hằng ngày, hằng năm các bệnh nhân đều được khám sàng lọc 1 lần về tình trạng bệnh. Các bệnh nhân đều có tuổi thọ rất cao, đơn cử như bà H'Nuih Ênuôl năm nay tròn 100 tuổi, H'Nai Ksơr 90 tuổi, ông Y Tlot Niê 87 tuổi...

Cũng gần 20 năm gắn bó với Khoa điều trị phong, chị H’Kiăt Êban luôn xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Năm 2002 chị vào làm cấp dưỡng tại đây. Bằng tình thương, trách nhiệm, chị luôn tự nhủ bản thân phải đem lại những bữa ăn ngon, phù hợp với bệnh nhân phong.

Chị H’Kiăt kể, trước đây mẹ chị cũng là cấp dưỡng tại Khoa điều trị này. Những ngày nghỉ học cuối tuần chị thường theo mẹ đến bếp phụ nhặt rau, rửa chén. Ban đầu khi thấy những bệnh nhân phong chị cũng sợ, nhưng tiếp xúc nhiều lần thấy tất cả mọi người đều hiền hòa, nên cảm giác sợ hãi không còn. Lớn lên, chị nối nghiệp mẹ vào làm cấp dưỡng. Mỗi ngày làm việc của chị H’Kiăt bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng dậy đi chợ mua những loại thực phẩm tươi ngon, bảo đảm dinh dưỡng về chế biến cho bệnh nhân. Ở những bếp ăn tập thể ở một số cơ quan, đơn vị, sau khi chế biến xong, cấp dưỡng dọn ra bàn để mọi người cùng ngồi vào bàn ăn chung.

Còn tại Trại phong, sau khi nấu ăn xong, chị H’Kiăt đến hỏi ý kiến mỗi người thích ăn ở bếp hay đưa về phòng bệnh. Mỗi người mỗi sở thích, nên giờ giấc ăn uống của họ cũng khác nhau. Do vậy sau khi hỏi ý kiến, chị trở lại bếp cẩn thận cho thức ăn vào từng camen đã được đánh dấu của từng người bệnh. Với những ông, bà thích dọn ăn tại bếp chị dọn sẵn ở bàn, với những người chưa ăn chị mang tận giường bệnh cho họ. Với sự tận tâm, chị luôn được những người bệnh điều trị tại Khoa thương yêu, gần gũi và xem như con cháu trong nhà.

Không chỉ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ở đây luôn tận tâm, tận tình với người bệnh, trong những năm qua, Khoa điều trị phong Ea Na là địa chỉ được nhiều tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với những người đang mang trên mình di chứng do trực khuẩn Hansen gây ra. Hành động này như một minh chứng xóa bỏ định kiến xa lánh đối với bệnh nhân phong, giúp họ vượt qua sự đau đớn của bệnh tật, hòa nhập với cuộc sống.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na (Trung tâm da liễu Đắk Lắk) cho biết, Khoa có 6 cán bộ, nhân viên làm việc, người công tác lâu gần 40 năm, nhân viên trẻ tuổi nhất có 4 năm gắn bó. Ngoài H'El, H'Kiăt, còn có kỹ thuật viên giày dép Huỳnh Thanh Phong đã gắn bó với Khoa tròn 20 năm, điều dưỡng trẻ H'Rit Êban 4 năm... Việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân phong không như những loại bệnh thông thường khác, chữa khỏi thì về mà còn có sự gắn kết từ năm này qua năm khác. Nhờ đó, mối quan hệ giữa bác sĩ, y tá, nhân viên với người bệnh như người trong một gia đình.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.