Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào mùa vú sữa

17:30, 14/03/2020

Mùa này, đến các buôn làng Êđê, dễ thấy hình ảnh những người phụ nữ gùi vú sữa đi bán dọc đường, hay bày vú sữa bán trước cổng nhà. Loại quả này được bà con hái từ chính những cây vú sữa trồng trong vườn nhà.

Những cây vú sữa từ lâu đã gắn với nếp nhà của người Êđê ở các buôn làng huyện Cư M’gar. Đi dọc con đường nhựa nhỏ dẫn vào buôn H’đing, xã Ea H’đing hay xã Ea Tar sẽ thấy màu xanh thẫm của những cây vú sữa xòe tán rộng che mát một góc vườn, lúc lỉu trái.

Bà H’Doen (xã Ea Tar) cho biết, ở đây hầu như nhà nào cũng trồng cây vú sữa, có nhà trồng 1 - 2 cây, có nhà 4 - 5 cây. Vú sữa ở đây ra hoa từ tháng chạp, những quả non xuất hiện dần vào dịp Tết và thời điểm đầu tháng 3 là lúc quả chín rộ. Khi trồng cách đây cả hơn chục năm, không ai nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ kiếm được tiền từ loại cây này, chỉ là bà con thấy cây mát, quả ngon ngọt nên trồng cho trẻ con trong buôn ăn.

Những trái vú sữa tẻ chín căng mọng.
Những trái vú sữa tẻ chín căng mọng.

Bà H’Rung (buôn H’đing, xã Ea H’đing) đặt những gùi vú sữa ngay ngắn trước cổng nhà, những quả vú sữa chín mọng, thơm ngào ngạt. Bà H’Rung chia sẻ: Có hai loại vú sữa, vú sữa tẻ có vỏ màu tím, cùi dày vị ngọt đậm, còn vú sữa nếp có vỏ màu xanh, vị ngọt béo, mùi thơm nồng đặc trưng hơn. Những cây già thì quả thường nhỏ và xấu hơn, nhưng ăn vú sữa của buôn làng an toàn nhất vì hoàn toàn không có thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích. Nhiều người dân ở TP. Buôn Ma Thuột thường gọi đặt trước, khi quả chín rộ thì hái giao cho khách với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Chiều chiều đi dọc chợ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) sẽ thấy những gùi vú sữa chín mọng được đồng bào gùi từ nhà mang ra bán. Bà H’Liêng (xã Ea Kao) cho hay: Khoảng mấy năm trở lại đây, cây vú sữa chả tốn công chăm sóc lại đều đặn đem về cho gia đình nguồn thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày khi vào mùa rộ quả chín.

Vú sữa thu hút người mua bởi giá cả phù hợp, vị ngon ngọt và là trái cây sạch. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (TP. Buôn Ma Thuột) vào mùa vú sữa năm nào cũng đến các buôn mua hơn 1 tạ gửi về quê Nghệ An làm quà. Người nhà chị ở quê rất thích, nhiều người quen còn gửi thêm tiền nhờ chị mua giúp gửi về.

Loại trái cây thơm ngọt của các buôn làng Tây Nguyên cứ thế tỏa đi khắp muôn nơi…

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.