Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình phụ nữ kết nghĩa ở Cư M'gar

08:11, 08/06/2020

Trong những năm qua, mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội đồng bào dân tộc thiểu số” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, xây dựng được mối quan hệ giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chi hội phụ nữ…

Từ một chi hội yếu, đến nay Chi hội Phụ nữ buôn Pốk A đã vươn lên trở thành đơn vị mạnh ở Hội LHPN thị trấn Ea Pốk. Hằng năm, Chi hội đều được đánh giá đạt vững mạnh. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nhờ kết nghĩa với Chi hội tổ dân phố Toàn Thắng, ngoài đưa sinh hoạt của chi hội trở nên đa dạng, phong phú, hấp dẫn và hiệu quả hơn thì Chi hội buôn Pốk A còn tự tổ chức được nhiều hoạt động phong trào bề nổi cũng như nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả… Đến nay, Chi hội đã thu hút được 279 hội viên tham gia sinh hoạt (chiếm trên 70,4% phụ nữ trong buôn)...

Chị H’Hương Êban, Chi hội trưởng phụ nữ buôn Pốk A chia sẻ: “Sau khi kết nghĩa năm 2007, Chi hội Toàn Thắng kèm chi hội chúng tôi rất nhiều. Số lượng hội viên tăng lên đáng kể, hoạt động cũng không còn khô khan mà ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Hiện Chi hội đã xây dựng được rất nhiều hoạt động thiết thực như: “Hũ gạo tình thương” mỗi tháng giúp 1 hộ nghèo 10 kg gạo; xây dựng được 2 “Đoạn đường hoa”; thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải…”.

Chị H’Mnang (bên phải) giới thiệu về mô hình chăn nuôi dê của gia đình với cán bộ phụ nữ buôn Pốk A.
Chị H’Mnang (bên phải) giới thiệu về mô hình chăn nuôi dê của gia đình với cán bộ phụ nữ buôn Pốk A.

Đáng mừng nhất, nhiều hội viên phụ nữ trong buôn đã xóa bỏ tâm lý tự ti, trông chờ, ỷ lại và thay đổi trong nếp nghĩ cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nhiều hộ phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định; xây được nhà kiên cố, tiện nghi đầy đủ và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn… Tiêu biểu như gia đình chị H’Mnang Niê trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn. Từ mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội đồng bào dân tộc thiểu số”, chị được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp; cuộc sống của gia đình dần được cải thiện, đến năm 2018 gia đình chị đã thoát nghèo… Chị H’Mnang Niê chia sẻ: “Gia đình có 2 sào đất trồng cà phê song do chất đất xấu nên hiệu quả đem lại không cao, có năm thu không đủ chi... Được các chị ở Chi hội kết nghĩa định hướng về mô hình phát triển kinh tế, năm 2016 tôi đã bàn bạc với chồng phát triển chăn nuôi thêm gà, heo, bò, dê… Dù quy mô chăn nuôi không lớn, chỉ với 3 con heo nái, 10 dê nái, 4 con bò và hơn 30 con gà nhưng cũng mang về cho gia đình nguồn thu nhập 40 triệu đồng/năm. Năm 2019, gia đình tôi đã tích cóp xây dựng được ngôi nhà xây kiên cố trị giá hơn 70 triệu đồng”.

Huyện Cư M’gar có 73 buôn dân tộc thiểu số, đến nay 100% chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số đều kết nghĩa với các chi hội phụ nữ người Kinh. Không chỉ kết nghĩa giữa các chi hội, nhiều gia đình phụ nữ người Kinh và phụ nữ dân tộc thiểu số cũng kết nghĩa với nhau. Sau khi kết nghĩa, các chi hội thường xuyên tổ chức sinh hoạt chung; hỗ trợ, hướng dẫn cách thức sinh hoạt, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chủ động, linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, tập hợp và thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia… Các chị em người dân tộc thiểu số được hỗ trợ, tư vấn về phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương để nâng cao thu nhập…

Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Hoạt động “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội đồng bào dân tộc thiểu số” được Hội LHPN huyện triển khai vào năm 2006 và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cán bộ, hội viên phụ nữ địa phương. Thực tế cho thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả rất tốt. Không chỉ nhận thức, tư duy làm ăn, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi mà chất lượng hoạt động ở các chi hội, nhất là những chi hội ở vùng sâu, vùng xa cũng được nâng lên đáng kể. Hằng năm, qua đánh giá tỷ lệ các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số được xếp loại xuất sắc, vững mạnh, khá ngày càng tăng, đặc biệt đến nay không còn chi hội xếp loại yếu kém”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.