Multimedia Đọc Báo in

"Dân vận khéo" ở Cư M'gar

09:38, 26/07/2020

Triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar đã tích cực hướng về cơ sở, thực hiện nhiều mô hình giúp dân đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trung tá Bùi Hữu Gia, Chính trị viên, Phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho hay, căn cứ thực tế tình hình địa bàn, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã thống nhất tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tham gia thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”... Từ năm 2016 đến nay, bằng những việc làm cụ thể, đơn vị đã phát động quyên góp trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện được 6,4 tấn gạo và trên 4.500 bộ quần áo các loại; thăm hỏi, tặng quà cho 450 lượt hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar trao dê giống tặng các hộ gia đình.
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar trao dê giống tặng các hộ gia đình.

Để bảo đảm kinh phí làm công tác dân vận, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tổ chức quyên góp, động viên bộ đội tiết kiệm chi tiêu, tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương. Cùng với đó, đơn vị còn thông qua chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, nhất là Hội LHPN để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ người dân vật nuôi, sau đó luân chuyển khi đã thoát nghèo.

Tại buôn kết nghĩa Pốk B (thị trấn Ea Pốk), đơn vị đã cùng địa phương khảo sát, lựa chọn gia đình nghèo, ít đất sản xuất để thực hiện mô hình nuôi rẽ. Tháng 4-2016, hai hộ gia đình đầu tiên nhận nuôi bò, dê từ chương trình. Chỉ 2 năm sau, con bò đã sinh sản được 2 con bê; từ cặp dê ban đầu cũng đã nhân giống thêm được 6 con dê. Đến đầu năm 2018, mặc dù chưa đến hạn trả lại vốn ban đầu, nhưng 2 gia đình đã tự nguyện trao lại vật nuôi để chương trình tiếp tục đến với các hộ nghèo khác.

Là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ con giống, chị H’Mưa Niê rất phấn khởi khi đàn dê của gia đình và hệ thống chuồng trại được mở rộng hằng năm. Chịu khó chăm sóc, từ 2 con dê giống ban đầu, đến nay gia đình đã nhân đàn lên thành 37 con lớn, nhỏ. Chị vui mừng cho hay, trước đây hai vợ chồng loay hoay tìm kế mưu sinh mãi vẫn chưa thoát nghèo, đến khi có bộ đội giúp, cuộc sống mới cơ bản ổn định. Dê dễ nuôi, ít bệnh tật, phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao, nên anh chị rất phấn khởi và muốn đầu tư lâu dài.

Các đơn vị, địa phương đến thăm, động viên người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi.
Các đơn vị, địa phương đến thăm, động viên người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi.

Nhận thấy việc làm ý nghĩa, hiệu quả, các đơn vị tiếp tục phối hợp, nhân rộng mô hình trên địa bàn buôn Pốk B. Từ năm 2016 đến nay đã có 10 hộ tại buôn được giúp đỡ, hỗ trợ con giống. Gần đây nhất, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã cùng Hội HLPN huyện trao dê giống, mang lại niềm vui cho 3 gia đình, gồm bà H’Cá Niê, ông Y Sót Niê và bà H’Dlach Adrơng. Với phương châm “tặng cần câu tặng cả cách câu”, các đơn vị kiểm tra, giám sát thường xuyên, giúp đỡ các gia đình cách chăm sóc vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh. Cùng với sự hỗ trợ của bộ đội, nhiều gia đình kết hợp vay thêm vốn hỗ trợ để phát triển đàn vật nuôi, tạo sinh kế bền vững, qua đó từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Pốk cho hay: buôn Pốk B có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, giúp đỡ. Những năm qua, buôn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cá nhân, tập thể, nhất là Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Hội LHPN huyện với mô hình hỗ trợ con giống. Hy vọng rằng, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng không chỉ tại buôn, mà còn trên địa bàn huyện.

Bằng những việc làm cụ thể, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giúp bà con phát triển kinh tế, nhờ vậy hiện buôn Pốk B chỉ còn 4 hộ nghèo, giảm 16 hộ so với năm 2016.

Song Quỳnh 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.