Nhân ngày BHYT Việt Nam 1-7:
Phát triển bảo hiểm y tế vì sức khỏe toàn dân
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh lên đến hàng tỷ đồng/1 đợt điều trị.
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc
Ngày 14-11-2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, đồng thời Chính phủ quyết định lấy ngày 1-7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT. Để tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014) đã quy định rõ: Từ ngày 1-1-2015, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhằm khẳng định mọi đối tượng có trách nhiệm phải tham gia BHYT.
Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích to lớn, đó là: được cấp thẻ BHYT miễn phí với trẻ em dưới 6 tuổi ; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên…); được khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc; được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu; khi KCB đúng quy định được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí KCB tùy từng đối tượng; giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí KCB khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật. Đồng thời, khi tham gia BHYT, mỗi người dân đã góp phần chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần ''lá lành đùm lá rách" giữa những người tham gia.
Đại lý thu BHXH, BHYT (bên trái) tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHYT. |
Ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho người tham gia khi đi KCB
Để tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, các thông tin về thẻ BHYT được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý KCB của cơ sở y tế giúp giảm đáng kể thời gian chờ KCB BHYT của người tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức KCB BHYT, quản lý quỹ BHYT của các cơ sở KCB và của cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, các trường hợp gia hạn thẻ BHYT, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật kịp thời trên hệ thống giúp người bệnh được đảm bảo đầy đủ quyền lợi KCB ngay khi đang điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, người bệnh có thể tự tra cứu được thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng BHYT, tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ KCB của người tham gia BHYT.
Quyền lợi người tham gia BHYT luôn được bảo đảm theo quy định
Theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT, từ đầu năm 2019 đến ngày 18-6-2020, 58 bệnh nhân mắc bệnh nặng, có chi phí khám chữa bệnh đặc biệt cao đã được quỹ BHYT chi trả trên 1 tỷ đồng cho mỗi đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân được chi trả trên 2 tỷ đồng cho một đợt điều trị. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân có mã thẻ HT279793186XXXX (BHXH TP. Hồ Chí Minh phát hành), quyền lợi hưởng BHYT 100%, KCB ban đầu tại Bệnh viện 30-4 đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 12-7-2019 đến ngày 26-8-2019 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn. Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,02 tỷ đồng đều do quỹ BHYT chi trả. Hay như bệnh nhân có mã thẻ HN230302189XXXX (BHXH tỉnh Hải Dương phát hành) thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, quyền lợi hưởng BHYT 100%, KCB ban đầu tại Trạm y tế xã, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) từ ngày 11-12-2018 – 18-10-2019 với chẩn đoán bệnh lý cơ tim, suy tim. Tổng chi phí KCB quỹ BHYT đã chi trả cho bệnh nhân này là 2,1 tỷ đồng.
Có thể thấy, cùng với chính sách BHXH, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT... Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT nhằm hướng tới hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc