Multimedia Đọc Báo in

Tri ân bằng hành động thiết thực

09:30, 26/07/2020

Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh (Ban Quản lý) vừa tổ chức chương trình trao mô hình phát triển kinh tế hỗ trợ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo tại một số địa phương. Món quà ý nghĩa, thiết thực đến đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27-7 vừa thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa giúp họ có thêm điều kiện, cơ hội vươn lên trong cuộc sống…

Để triển khai chương trình, Ban Quản lý đã trực tiếp về các địa phương, khảo sát thực tế tất cả 125 hộ thuộc đối tượng này, nắm bắt điều kiện, nhu cầu sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của từng gia đình, từ đó xây dựng các mô hình phù hợp, trao cho từng hộ với mục đích phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn. “Sở dĩ chúng tôi không xây dựng, áp dụng một mô hình cho tất cả là do mỗi hộ có hoàn cảnh, điều kiện, khả năng và nhu cầu sử dụng nguồn vốn hỗ trợ khác nhau”, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) Lê Hải Lý lý giải. Trên cơ sở khảo sát, Ban Quản lý đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để triển khai gồm: mô hình tặng bò, heo sinh sản; mô hình hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng hệ thống nước sạch; hỗ trợ tăng thêm thu nhập và hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.

Bà Hoàng Thị Niềm (thứ hai từ phải sang) nhận mô hình hỗ trợ bò sinh sản.
Bà Hoàng Thị Niềm (thứ hai từ phải sang) nhận mô hình hỗ trợ bò sinh sản.

Được hỗ trợ con bò sinh sản trị giá 20 triệu đồng, bà Hoàng Thị Niềm, người có công giúp đỡ cách mạng (trú xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) rất vui mừng. Với một người đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" như bà thì công việc cắt cỏ xung quanh vườn rất phù hợp vừa để khuây khỏa, tập thể dục vừa chăm sóc vật nuôi. Trong khi đó với số tiền 20 triệu đồng được tặng, bệnh binh Nguyễn Tiến Trình (xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) cho biết sẽ khoan một giếng nước sạch để dùng, bởi khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô hạn. Riêng với bà H’Lun Êban (mẹ liệt sỹ Y Ông Êban, ở xã Ea Ba huyện Buôn Đôn) gặp khó khăn về nhà ở thì được trao 50 triệu đồng để xây nhà Tình nghĩa. Không riêng bà mà bà con hàng xóm đều vui mừng xúc động với món quà này, đó là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội với những người đã chịu những hy sinh mất mát vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Được biết trong dịp này, có 32 hộ ở các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Kar, Krông Năng và Lắk được nhận hỗ trợ với mức hỗ trợ cho mỗi mô hình từ 15 - 50 triệu đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ là 867 triệu đồng, được trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Trưởng Phòng Người có công Lê Hải Lý cho hay, đối với 93 trường hợp còn lại, Ban Quản lý sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục khảo sát, xác định từng mô hình phù hợp và hỗ trợ cho các hộ trong thời gian sớm nhất.

Với nội dung hỗ trợ và cách thức triển khai phù hợp, có thể nói, chương trình trao mô hình phát triển kinh tế hỗ trợ những người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo là việc làm nhân văn, thể hiện ý thức, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến, hy sinh một phần công sức, xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó cũng chính là bài học giáo dục đạo lý truyền thống sinh động, nhắc nhở thế hệ hôm nay và cả mai sau luôn ghi nhớ, tỏ lòng tri ân đối với những người có công.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.